Vợ chồng chị Thắm (quê Thái Bình) đã quyết định mua một căn hộ chung cư thương mại đang trong giai đoạn hoàn thiện tại Hà Nội với giá 1 tỷ đồng và chốt vay ngân hàng 70% giá trị căn hộ (tương đương 700 triệu đồng) trong 10 năm với lãi suất chỉ 7,3%/năm.
Như vậy, sau khi ngân hàng giải ngân được một phần, mỗi tháng vợ chồng chị Thắm phải trả khoảng 6,5 triệu đồng cả gốc và lãi. Và khi được giải ngân hết 700 triệu đồng, chị Thắm phải trả 10 triệu đồng mỗi tháng, trong đó có hơn 4 triệu đồng là tiền lãi.
Việc mua nhà ở đô thị lớn như Hà Nội không phải là chuyện dễ dàng nếu như cả hai vợ chồng không có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng (ảnh minh họa: Minh Thư).
Tuy nhiên, vợ chồng chị Thắm quên mất rằng, mức lãi suất 7,3%/năm là lãi suất ưu đãi chỉ được hưởng trong 1 năm đầu tiên, sau đó lãi suất ngân hàng được tính bằng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 13 tháng cộng với biên độ 3,9%. Theo đó, lãi suất vợ chồng chị phải trả ngân hàng là 12,2%. Và số tiền phải trả cả gốc và lãi không phải là 10 triệu đồng mà là hơn 13 triệu đồng/tháng.
Với số tiền hơn 13 triệu đồng phải trả ngân hàng mỗi tháng, nếu chỉ trông chờ vào thu nhập của 2 vợ chồng thì không đủ sức để gồng gánh được. Chính vì thế, vợ chồng chị Thắm, ngoài công việc chính ở cơ quan còn phải làm thêm nhiều việc khác, cắt giảm chi tiêu tối đa, tuy nhiên việc cuộc sống của gia đình chị vẫn chật vật và không biết cầm cự được bao lâu.
Nhà ở là nhu cầu thiết yếu mà bất cứ cặp vợ chồng nào đều mơ ước. Nhưng mua nhà ở đô thị lớn như Hà Nội không phải là chuyện dễ dàng nếu như cả hai vợ chồng không có một nguồn thu nhập ổn định hàng tháng.
Vậy vợ chồng trẻ cần có thu nhập bao nhiêu thì có thể mua được nhà ở Hà Nội? Trả lời câu hỏi này của PV, ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản EZ Việt Nam, cho hay, nếu vợ chồng có mức thu nhập ổn định khoảng 20 triệu đồng/tháng, cộng với khoản tiết kiệm 400 triệu đồng thì có thể “liệu cơm gắp mắm”, tức chỉ có thể mua nhà giá rẻ, còn nếu mua căn hộ từ 1,6-2 tỷ đồng cũng là khó.
Bởi lẽ, theo ông Toản, nếu mua căn hộ 1,6 tỷ đồng thì vợ chồng vẫn phải đi vay 1,2 tỷ đồng. Nếu vay ngân hàng tất cả số tiền 1,2 tỷ đồng trong vòng 20 năm thì tiền lãi phải trả ngân hàng mỗi tháng khoảng 10 triệu đồng, hết một nửa thu nhập của hai vợ chồng. Số tiền còn lại để thuê nhà và dùng cho sinh hoạt cả tháng, nếu chưa có con cái thì đỡ, nhưng nếu có con rồi thì số tiền đó để chi tiêu sinh hoạt mỗi tháng cho cả gia đình cũng sẽ khá khó.
Chính vì thế, ông Toản cho rằng, nếu muốn mua nhà thì cần dùng tiền tích lũy và sự hỗ trợ của người thân, bạn bè là chính để đỡ phải mất thêm phí trả lãi vay nhiều hàng tháng. Khi tích lũy được khoảng 800 triệu đến 1 tỷ đồng thì việc mua nhà sẽ dễ dàng hơn.
Hoặc một phương án khác ông Toản đưa ra, nếu vợ chồng có số tiền tích lũy ít hơn thì phải chấp nhận phương án mua đất xa trung tâm rồi dựng tạm cái nhà nhỏ để “an cư” rồi tiếp tục “cày” kiếm thêm tiền.
Từ phân tích của ông Toản, mỗi vợ chồng chắc chắn sẽ có phương án mua nhà hợp lý cho mình, để đỡ phải chịu áp lực tài chính hàng tháng.
Vay tiền ngân hàng quá nhiều khi mua nhà sẽ là gánh nặng tài chính, nhiều khi mệt mỏi dẫn đến vợ chồng lục đục, vì thế theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, số tiền vay mua nhà trả góp không nên vượt quá 50% tổng thu nhập trước thuế của người dân. Do đó, nếu 1 gia đình có 2 vợ chồng đi làm với tổng mức thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng, như vậy mỗi tháng họ phải bỏ ra số tiền để trả cho ngân hàng cả lãi và gốc không nên quá 10 triệu đồng.
Đồng thời, người đi vay cũng cần phải xem xét xem thu nhập của mình có ổn định hay không. Khoản vay mua nhà ngân hàng cũng không nên vượt quá 50% nhu cầu vốn dù ngân hàng có thể hỗ trợ tối đa tới 70-80%.
-
Chật vật mua nhà thời khan hiếm nguồn cung
CafeLand - Tích lũy chưa nhiều, dự án có giá vừa túi tiền ngày càng khan hiếm khiến nhiều người gặp khó khi giải quyết bài toán nhà ở.