30/11/2014 7:45 PM
Ở Việt Nam, việc đánh thuế vào bất động sản (BĐS) đã được triển khai bằng nhiều sắc thuế liên quan đến loại tài sản này như: thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, lệ phí trước bạ, thuế chuyển nhượng BĐS, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế thu từ bán nhà thuộc sở hữu nhà nước.
Ảnh minh họa, nguồn internet.

Mới đây, tại Hội thảo khoa học quốc gia Kinh doanh BĐS - Cơ hội và thách thức trong bối cảnh thị trường có dấu hiệu ấm lên", ThS. Nguyễn Thị Tùng Phương, Khoa BĐS và Kinh tế tài nguyên, Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: Qua nghiên cứu tổng hợp báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước của Bộ Tài chính cho thấy, năm 2003, thuế thu từ BĐS của Việt Nam chỉ đạt con số 12.523 tỷ đồng trên tổng số thu từ ngân sách Nhà nước là 177.409 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ khoảng 7,4 %. Năm 2008, con số này là 46.532 tỷ trên tổng thu ngân sách Nhà nước là 548.529 tỷ đồng, chiếm 8,6%. Năm 2013, thu thuế từ BĐS đạt 67.193 tỷ đồng trên tổng thu ngân sách Nhà nước là 816.000 tỷ đồng, chiếm 8,3%.

Trong các loại thuế BĐS, số thu từ thuế sử dụng đất nông nghiệp chiếm tỷ lệ thấp nhất và thu tiền từ sử dụng đất đóng góp khoản thu lớn nhất. Năm 2003, khoản thu từ sử dụng đất đạt 8.149 tỷ đồng trên 12.523 tỷ đồng thuế BĐS, 177.409 tỷ đồng tổng thu ngân sách, chiếm khoảng 65% thuế BĐS, gần 5% tổng thu ngân sách Nhà nước. Năm 2013, khoản thu này đạt 39.000 tỷ đồng, trên 67.193 tỷ đồng thu thuế BĐS, chiếm gần 60% thuế BĐS và khoảng 5% tổng thu ngân sách Nhà nước. Sang năm 2014, khoản thu từ sử dụng đất ước đạt 36.000 tỷ đồng.

Theo ThS. Nguyễn Thị Tùng Phương, trong khi tại nhiều quốc gia, thuế BĐS được xem là nguồn thu chủ yếu nhằm đáp ứng các nhu cầu dịch vụ công cộng thì nghiên cứu tổng thể các khoản thu từ BĐS giai đoạn 2003-2013 và dự kiến 2014 tại Việt Nam cho thấy tỷ trọng thu ngân sách Nhà nước từ BĐS của Việt Nam còn thấp so với các nước trên thế giới.

"Nguyên nhân chính của việc tỷ trọng thuế BĐS còn thấp được xác định là do pháp luật về thuế BĐS còn hạn chế về cơ sở tính thuế, xác định giá trị BĐS. Nhiều sắc thuế về các khoản thu từ BĐS không hợp lý, lỗi thời, không phản ánh được giá trị của tài sản lớn này. Việc xây dựng thuế suất sử dụng đất đai và BĐS thấp hơn so với giá trị BĐS. Viêc phân hạng các vị trí đất, loại đất còn nhiều bất cập, không sát với thực tế do chưa tính hết và chưa tính đủ các yếu tố tạo nên giá trị về vị trí của các loại đất đai, BĐS, cho nên cách xác định cũ tạo ra nhiều sai lệch về giá trị tính thuế BĐS", ThS. Nguyễn Ngọc Hậu, Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Sơn La cho biết.

Đơn cử, với thuế sử dụng đất, theo quy định giá tính tiền sử dụng đất phải sát giá chuyển nhượng trên thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường, buộc phải thẩm định giá đối với từng dự án. Việc căn cứ vào chứng thư thẩm định giá không đảm bảo độ tin cậy cao do hiện nay không đủ nguồn dữ liệu giao dịch thực tế trên thị trường và phương pháp xác định giá trị quyền sử dụng đất là do ước định chủ quan và giá trị kỳ vọng trong tương lai.

Theo các chuyên gia, để tăng tỷ trọng thuế BĐS trong tổng thu ngân sách quốc gia, cần nghiên cứu lại cơ sở tính thuế BĐS, cơ sở xác định giá trị BĐS, bổ sung dữ liệu thị trường BĐS một cách thường xuyên, liên tục đồng thời cần cải cách thủ tục hành chính trong xây dựng mô hình đánh giá thuế BĐS.

Hoài Anh (Báo Hải quan)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.