Việc nợ đọng tiền thuế từ đất của các doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) trên địa bàn Hà Nội đang gây không ít khó khăn cho các cơ quan chức năng.

Tổng cục Thuế cho hay, để không ảnh hưởng đến thu ngân sách sẽ tiến hành rà soát lại các DN BĐS đang nợ tiền sử dụng đất, song việc thu hồi khoản nợ này không dễ dàng do sự chây ỳ và khả năng tài chính hạn hẹp của các DN.


Thuế nói có, DN nói không


Theo Cục Thuế Hà Nội, hiện DN BĐS trên địa bàn đang nợ gần 1.000 tỷ đồng. Số nợ này chủ yếu ở các dự án khó khăn về tài chính, vướng mắc giải phóng mặt bằng... Ông Nguyễn Hồng Thái, Trưởng phòng Quản lý các khoản thu từ đất (Cục Thuế Hà Nội) cho hay, số nợ 1.000 tỷ đồng mới là tạm tính, dự kiến khi kết quả rà soát của liên ngành đối với 240 dự án được công bố, số tiền nợ còn có thể tăng cao hơn do nhiều dự án phải tính lại tiền.


Thừa nhận có nắm được thông báo về con số tiền phạt nộp chậm còn nợ từ ngành thuế, song các DN BĐS đều cho rằng không mắc nợ. "Chúng tôi khẳng định không nộp chậm tiền thuế sử dụng đất. Mà không nộp chậm thì không phải nộp phạt", chủ đầu tư một dự án có tổng diện tích hơn 77 hecta tại Hà Nội giãi bày. Trong khi đó, một chủ đầu tư khác cho rằng, có như vậy là do chưa thống nhất trong cách tính tiền thuế sử dụng đất. Chính phủ cho phép các DN được phép nộp tiền sử dụng đất khi đủ điều kiện huy động vốn, những dự án đã phát sinh tiền sử dụng đất, cơ quan quản lý đã xác định, nhưng chưa đến thời điểm phải nộp, do DN được nộp theo tiến độ khi dự án xây xong móng. Phát sinh là do sự chênh lệch trong cách tính tiền sử dụng đất đóng khi được giao đất và tiền sử dụng đất đóng theo tiến độ. Như vậy, với cách tính tiền sử dụng đất khi bàn giao đất thì được nhận đất đến đâu phải đóng thuế trên diện tích sử dụng này. Nhưng nếu với cách tính tiền sử dụng đất theo tiến độ thực hiện, DN giải phóng mặt bằng và thi công đến đâu sẽ đóng tiền sử dụng đất đến đó.


DN khó khăn


Tại hội thảo mới đây do VCCI tổ chức nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN về thuế đất và các vấn đề liên quan đến thuế, không ít DN phản ánh họ phải chịu giá thuê đất cao. Trước đây, Nghị định 142/2005 quy định giá tính tiền thuê đất tính theo giá đất do UBND cấp tỉnh công bố hàng năm thì Nghị định 121/2010/NĐ-CP yêu cầu giá tính tiền thuê đất được xác định sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường trong điều kiện bình thường. "Năm 2011, giá tính tiền thuê đất tăng từ 1,5 đến 3 lần so với năm 2010. Tỷ lệ % để xác định đơn giá thuê đất cũng được điều chỉnh, thì giá thuê đất cao gấp mấy chục lần, DN làm sao sống nổi", đại diện một DN giãi bày.


Theo ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục thuế, hiện nay giá đất giao dịch trên thị trường đã giảm, việc DN khó có khả năng chi trả là đương nhiên, tuy nhiên đây là vấn đề khó khăn chung của nền kinh tế chứ không riêng gì các DN kinh doanh BĐS. "Chúng ta cũng phải nhìn trên nhiều khía cạnh khác nhau, phải xem xét về sự tuân thủ pháp luật của DN đó như thế nào, nhưng đồng thời cũng phải xét đến những yếu tố gây khó khăn thực sự của DN từ đó mới làm rõ nguyên nhân. Nếu do DN chây ỳ không chịu đóng thuế sẽ có giải pháp đôn đốc, cưỡng chế".


Việc nợ thuế của DN bất động sản dù có nhiều nguyên nhân nhưng những diễn biến gần đây như bán tháo căn hộ, chậm nộp thuế... cho thấy nhiều DN BĐS đang rất khó khăn về tài chính. Theo số liệu từ Cục Thuế Hà Nội, trong 10 tháng đầu năm 2011, cơ quan này đã thu được hơn gần 7.000 tỷ đồng từ quyền sử dụng đất. Một cán bộ Cục Thuế Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng, đầu ra khó khăn thì đó cũng là một con số "đáng mừng". Tất nhiên, để thu hồi khoản trên là chuyện không hề dễ dàng.


HUD - chủ đầu tư khu đô thị Vân Canh nợ gần 400 tỷ đồng, Công ty CP Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội nợ hơn 220 tỷ đồng tiền gốc. Công ty Phát triển đô thị quốc tế Việt Nam, chủ đầu tư dự án Parkcity, nợ 152 tỷ đồng... Tại huyện Mê Linh, các chủ dự án nợ 400 tỷ đồng nợ gốc.

Theo Nguyên Anh (KTĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.