09/11/2018 7:38 AM
Khu công nghiệp Bàu Xéo, H.Trảng Bom (Đồng Nai) được xây dựng và hoạt động hơn 10 năm qua. Tuy nhiên, nơi đây đang là “điểm nóng” khiếu nại, tố cáo vượt cấp liên quan đến việc thu hồi đất của người dân.

KCN Bàu Xéo hoạt động hơn 10 năm qua nhưng đang là “điểm nóng” khiếu nại, tố cáo vượt cấp

ẢNH: ĐÌNH PHÚ

Khu công nghiệp (KCN) Bàu Xéo hiện là 1 trong 45 dự án có sử dụng đất đai nhiều tại tỉnh Đồng Nai mà Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN-MT) đang tiến hành thanh tra, kiểm tra.

Chủ đầu tư KCN Bàu Xéo là Công ty CP Thống Nhất (JSC) với 3 cổ đông sáng lập: Tổng công ty Tín Nghĩa, Tổng công ty cao su Đồng Nai và Tập đoàn công nghiệp cao su VN. Theo giới thiệu của chủ đầu tư, KCN Bàu Xéo có tổng diện tích khoảng 499 ha, nằm trên địa bàn các xã: Sông Trầu, Tây Hòa, Đồi 61 và TT.Trảng Bom (H.Trảng Bom); đến nay đã thu hút được 29 nhà đầu tư trong và ngoài nước, tổng diện tích đất cho thuê hơn 305 ha với các ngành nghề hoạt động như giày da, may mặc, chế biến gỗ, thức ăn chăn nuôi, cơ khí…

Khiếu nại “chưa có điểm dừng”

Khi thu hồi đất để xây dựng KCN Bàu Xéo có hơn 257 hộ dân thuộc diện di dời, giải tỏa; chủ yếu thuộc khu dân cư ấp 1, xã Sông Trầu và ấp An Hòa, xã Tây Hòa. Việc thu hồi đất triển khai từ năm 2004. Theo đơn phản ánh của các hộ dân gửi đến Báo Thanh Niên, hiện vẫn còn gần 50 hộ dân xã Sông Trầu không chấp nhận di dời, giải tỏa mà liên tục khiếu nại, tố cáo.

Cuộc sống gia đình ông Bùi Văn Bình bị ảnh hưởng nghiêm trọng do nhà cửa xuống cấp không xây dựng được

Vấn đề mà các hộ dân khiếu nại, tố cáo chủ yếu liên quan đến Quyết định 101/QĐ.CT.UBND ngày 12.1.2004 của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai ký thu hồi hơn 4,4 triệu m2 (tương đương hơn 440 ha) đất tại các xã: Sông Trầu, Tây Hòa, Đồi 61 và TT.Trảng Bom và “tạm giao toàn bộ diện tích đất thu hồi" cho Công ty Tín Nghĩa, Công ty cao su Đồng Nai và các thành viên liên quan để tiến hành việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, lập thủ tục đầu tư xây dựng KCN Bàu Xéo (sau đó các công ty này liên kết làm chủ đầu tư dự án - PV).

Về lý do khiếu nại, tố cáo, các hộ dân cho rằng mặc dù cho đến nay chưa có quyết định thành lập KCN chính thức của Thủ tướng, nhà đất của họ không nằm trong ranh quy hoạch, nhưng Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai ký Quyết định 101/QĐ.CT.UBND thu hồi “là không đúng thẩm quyền”. Đặc biệt, UBND H.Trảng Bom lại căn cứ vào Quyết định 101/QĐ.CT.UBND để tiến hành cưỡng chế thu hồi đất của dân, “là không đúng quy định pháp luật”.

Theo đó, trong các văn bản trả lời các nội dung, khiếu nại của các hộ dân, UBND tỉnh Đồng Nai và một số cơ quan liên quan của tỉnh này đều cho rằng khiếu nại, tố cáo của các hộ dân “thiếu căn cứ” vì KCN Bàu Xéo được triển khai “đúng quy định hiện hành”. Không chấp nhận cách trả lời của chính quyền tỉnh Đồng Nai, các hộ dân tiếp tục gửi đơn khiếu nại, tố cáo vượt cấp. Nội dung khiếu nại, tố cáo vượt cấp vẫn tập trung vào Quyết định 101/QĐ.CT.UBND ngày 12.1.2004 của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai và các quyết định cưỡng chế thu hồi đất của UBND H.Trảng Bom.

Người dân rơi vào cảnh thống khổ

Trên thực tế, nhiều hộ dân bị ảnh hưởng bởi việc thu hồi đất để làm KCN Bàu Xéo rơi vào cảnh thống khổ vì buộc phải đi khiếu nại triền miên, nhà cửa xuống cấp không xây dựng được...

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, hầu hết nhà đất ở ấp 1 (xã Sông Trầu), người dân được trao quyền sở hữu ổn định từ hàng chục năm qua. Bà Lê Thị Lắm (93 tuổi) sở hữu hơn 11.000 m2 đất, trên phần đất này, bà và con cái xây dựng nhà ở và làm một dãy phòng trọ cho thuê. Cho rằng quyết định thu hồi nhà đất của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai và H.Trảng Bom không đúng quy định pháp luật, bà Lắm không chấp hành. Đến tháng 4.2018, UBND H.Trảng Bom ra thông báo và tiến hành cưỡng chế. Vì tuổi cao sức yếu, trong tháng 10 vừa qua, bà Lắm đã qua đời. Bà Nguyễn Thị Kim Bửu (65 tuổi, con bà Lắm) là người đứng đơn tiếp tục đi khiếu nại, tố cáo.

Bà Bửu cho rằng việc cưỡng chế thu hồi đất của gia đình bà là trái luật, bởi KCN Bàu Xéo chưa có quyết định thành lập, chưa có quyết định phê duyệt quy hoạch của Thủ tướng. Theo trình bày của bà Bửu, từ lúc bị cưỡng chế nhà cửa, gia đình bà rơi vào cảnh thống khổ, không có nơi ở ổn định. Nguồn thu chính từ làm ruộng vườn, cho thuê trọ nay hoàn toàn mất trắng. Để mưu sinh qua ngày, bà phải tất tả đi làm thuê, xin ở nhờ nhà người khác.

Trường hợp ông Phạm Văn Minh (58 tuổi) cũng bị H.Trảng Bom ra quyết định cưỡng chế nhà đất rộng hàng ngàn mét vuông. Ông Minh “may mắn” hơn là nhà ông chưa bị đập, bởi sau khi biết có quyết định cưỡng chế, ông đã khởi kiện Chủ tịch UBND H.Trảng Bom vì đã ra quyết định cưỡng chế sai luật. Đơn khởi kiện của ông gửi đến TAND tỉnh Đồng Nai từ tháng 12.2016 và tòa đã thụ lý đơn nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm.

Trong khi đó, hàng chục hộ dân khác cũng rơi vào tình cảnh thống khổ vì không được sửa chữa nhà ở. Điển hình là trường hợp ông Bùi Văn Bình. Nhà ông Bình xuống cấp nặng nề “vì gần 20 năm rồi không xây sửa được gì”. Mỗi khi trời mưa là nước trút ngập vào nhà, nhưng khi ông Bình xin sửa chữa để có nơi trú thân cũng không được giải quyết. Bức xúc vì chuyện thu hồi đất thiếu căn cứ, ông Bình gửi đơn khiếu nại nhưng bị UBND H.Trảng Bom bác đơn vì “không có cơ sở pháp lý để giải quyết”.

Chính quyền địa phương nói gì?

Trả lời Thanh Niên, ông Vương Đăng Giáp, Phó chủ tịch UBND xã Sông Trầu, cho biết hiện còn 49 hộ dân trên địa bàn xã chưa đồng ý nhận tiền bồi thường và thời gian qua có đơn khiếu nại. Qua các đơn khiếu nại của người dân, xã có phối hợp các ngành để giải quyết đơn; UBND huyện cũng có làm việc và trả lời nhưng người dân chưa đồng tình, tiếp tục khiếu nại vượt cấp. “Nội dung chính mà người dân khiếu nại là quyết định của tỉnh về thu hồi đất không đúng. Trên địa bàn có dự án, xã không mong muốn kéo dài chuyện khiếu nại như vậy. Mấy năm nay bà con không lên xã khiếu nại nữa mà khiếu nại lên cấp có thẩm quyền cao hơn”, ông Giáp nói.

Trong khi đó, ông Lê Hữu Đảng, Phó chủ tịch UBND H.Trảng Bom cho biết diện tích đất thu hồi mà các hộ dân phản ánh nằm trong Quyết định 101/QĐ.CT.UBND ngày 12.1.2004 của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai. Theo đó, UBND H.Trảng Bom dựa vào đó để triển khai công tác thu hồi đất. Về việc các hộ dân khẳng định diện tích nhà đất của mình nằm ngoài ranh quy hoạch, ông Đảng cho rằng “là không đúng”, bởi KCN Bàu Xéo được Thủ tướng cho phép thành lập và UBND tỉnh Đồng Nai có quyết định phê duyệt quy hoạch.

Pháp lý dự án KCN Bàu Xéo và quá trình triển khai thực hiện trên thực tế như thế nào? Việc cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai cho rằng đã “làm đúng quy định hiện hành” để bác đơn khiếu nại, tố cáo của người dân có đất bị thu hồi, liệu có thỏa đáng? (còn tiếp)

Bộ Công an từng cảnh báo

Liên quan đến giai đoạn đầu “ra” chủ trương thành lập KCN Bàu Xéo, vào tháng 9 và tháng 11.2005, Bộ Công an từng có 2 văn bản. Theo đó, có 2 vấn đề quan trọng mà Bộ Công an nêu ra. Thứ nhất, cần cân nhắc cho phép thực hiện dự án vì khả năng tài chính của chủ đầu tư thấp so với quy mô dự án. Thứ hai, việc đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư và tạo công ăn việc làm cho người dân phải di dời chưa được đề cập thỏa đáng trong dự án sẽ gây bức xúc, dễ tạo thành “điểm nóng” về an ninh trật tự.

Đình Phú (Thanh Niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.