2.500m2 đất ở khu vực Di tích Bạch Dinh (số 6, Trần Phú, phường 1, TP.Vũng Tàu) được Bảo tàng tỉnh (đại diện cho Sở VH-TT-DL) cho thuê từ năm 2011. Đến lúc hết hợp đồng (năm 2016) thì không đòi lại được mặt bằng. Vì sao có sự việc vô lý như vậy?

Dù đã hết hợp đồng từ năm 2016, nhưng đến nay các quán cà phê, giải khát quanh di tích Bạch Dinh vẫn hoạt động.

Vi phạm hợp đồng

Năm 2011, UBND tỉnh cho phép khai thác dịch vụ ở khu vực 2 di tích Bạch Dinh phía đường Trần Phú, hướng ra biển Bãi Trước (văn bản số 2460-UBND-VP, ngày 18/5/2011), với hình thức đấu thầu hạn chế cho 5 hộ nhiều năm gắn bó với di tích, kinh doanh cà phê, giải khát. Mức giá giao khoán là 28.000 đồng/m2 và diện tích giao khoán hơn 2.500m2.

Ngày 1/11/2011, Bảo tàng tỉnh đại diện cho Sở VH-TT-DL đã ký hợp đồng (HĐ) kinh tế số 45/HĐKT-BT với ông Đỗ Hữu Côn, đại diện cho 5 hộ thuê diện tích đất 2.555m2 với giá 72 triệu đồng/tháng. Nhưng thực tế thì các hộ lại được Bảo tàng tỉnh giao sử dụng toàn bộ diện tích hơn 4.200m2. Thời điểm ký HĐ có đại diện 5 chủ quán cà phê: Bạch Dinh, Hoa Sứ, Relax, Biển và Cửu Long.

Trong số 5 hộ dân liên doanh liên kết hợp tác thuê lại mặt bằng của Bảo tàng tỉnh, đã có trường hợp sang nhượng lại quán, kinh doanh dịch vụ ngoài quy định trong HĐ mà chưa được sự cho phép của Bảo tàng tỉnh. Đơn cử như trường hợp ông Nguyễn Khánh. Cụ thể, sau khi ký kết Biên bản hợp tác kinh doanh với ông Đỗ Hữu Côn và HĐ kinh tế với Bảo tàng tỉnh, ông Nguyễn Khánh tự ý sang nhượng mặt bằng cho bà Chế Thị Phương Bình với giá 1 tỷ đồng. Sau đó, bà Bình chuyển đổi tên từ Cửu Long Quán thành Vườn Thiên Quang. Quán Vườn Thiên Quang kinh doanh cà phê, giải khát hát cho nhau nghe rất ồn ào, mất trật tự. Đến năm 2012, Bảo tàng tỉnh phát hiện vụ việc đã phạt ông Khánh, bà Bình số tiền bằng 30% tổng giá trị sang nhượng quán (là 394 triệu đồng). Tuy nhiên, bà Bình mới nộp phạt 175 triệu đồng.

Năm 2013, bà Bình tiếp tục liên kết với một đối tác khác để kinh doanh dịch vụ ăn uống bia, nước ngọt và hải sản tươi sống, trong khi đó HĐ với Bảo tàng tỉnh chỉ kinh doanh cà phê và nước giải khát.

Ngoài ra, trong thời gian hoạt động, hầu hết các quán đã tự ý cơi nới, san lấp thêm hơn 500m2 mặt bằng và xây dựng các công trình bán kiên cố. Đối với phần diện tích tăng thêm, Bảo tàng tỉnh đã tiến hành thu tiền, mức 15 triệu đồng/tháng

Và những hệ lụy

Theo thỏa thuận của hai bên, HĐ có thời hạn đến ngày 31/10/2016. Khi hết thời hạn, các hộ phải tự tháo dỡ vật dụng trả lại mặt bằng cho Bảo tàng tỉnh. Đầu tháng 9/2016, Bảo tàng tỉnh đã ra thông báo thanh lý HĐ để các chủ quán chủ động thu xếp giao trả mặt bằng. Tuy nhiên, đến thời điểm nêu trên, các chủ quán xin gia hạn, để có thời gian chuẩn bị di dời. Mãi đến cuối tháng 2/2017, chỉ có ông Đỗ Hữu Côn đồng ý ký biên bản thanh lý HĐ, 4 hộ khác không chịu ký.

Tháng 4/2017, Bảo tàng tỉnh ra tiếp thông báo thu hồi mặt bằng và yêu cầu các hộ kinh doanh phải bàn giao trước ngày 15/5/2017, đến lúc đó, 2 quán không nhận thông báo, còn 1 chủ quán thì bất hợp tác bằng việc đóng cửa quán. Vụ việc lại kéo dài đến cuối năm 2017. Lúc này Sở VH-TT (sau khi tách sở) họp 5 hộ dân, thống nhất kiến nghị tỉnh đồng ý cho các hộ kinh doanh đến năm 2018. Nhưng khi ký biên bản cuộc họp thì chỉ có 2 hộ ký, còn lại 3 hộ không chịu ký và tình trạng này dây dưa đến nay.

Hiện nay, các quán cà phê và quán hải sản vẫn hoạt động, còn phía cơ quan quản lý 4 năm qua không thu bất kỳ khoản tiền nào từ các hộ kinh doanh, khiến Nhà nước thất thu hàng tỷ đồng.

Tiếp xúc với phóng viên, các hộ kinh doanh thuê mặt bằng của KDT Bạch Dinh cho biết, họ vay vốn đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất đến nay chưa thu hồi được vốn. Việc chuyển đổi địa điểm kinh doanh dẫn đến những khó khăn và việc làm của người lao động.

Luật sư Nguyễn Cảnh (Văn phòng Luật sư Đức Chí Tâm, Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 về HĐ thuê đất thì trong trường hợp chấm dứt HĐ thuê đất do hết thời hạn thuê và không được gia hạn thuê thì phải khôi phục lại tình trạng đất như khi nhận đất cho cơ quan quản lý, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Tài sản gắn liền với đất được giải quyết theo thoả thuận của các bên.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Triêm, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết, sau khi hết HĐ, đơn vị đã tiến hành làm việc với người thuê đề nghị kết thúc và giao trả mặt bằng để đơn vị thực hiện chỉnh trang di tích Bạch Dinh theo quy định, tuy nhiên các hộ dân không chịu đến, hoặc cử người không đúng quyền hạn đến. “Bây giờ HĐ vô hiệu lực, Nhà nước phải thu hồi. Còn thiệt hại của các bên như thế nào, thì giải quyết theo quy định của pháp luật”, ông Triêm khẳng định.

Được biết, UBND tỉnh đã đồng ý để Bảo tàng tỉnh khởi kiện đòi mặt bằng Di tích quốc gia Bạch Dinh ra TAND TP.Vũng Tàu vì nhận thấy đây là vụ việc dân sự.

Trúc Giang (Báo BRVT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.