Ông
Lương Minh Phúc, Trưởng ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao
thông đô thị TP.HCM cho biết, đến thời điểm hiện tại, việc xây dựng phần
kết cấu đường dẫn và lắp đặt thiết bị bên trong đường hầm Thủ Thiêm đã
hoàn thành 95% khối lượng. “Đường hầm Thủ Thiêm dài 1,49 km, nằm ở độ
sâu 27 m dưới đáy sông Sài Gòn. Yêu cầu đặt ra trong quá trình thiết kế
và sử dụng là đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho phương tiện đi
trong đường hầm”, ông Phúc cho biết thêm.
Cụ
thể, theo Phương án tổ chức giao thông và khai thác đường hầm Thủ Thiêm
của Sở Giao thông – Vận tải TP.HCM, hầm Thủ Thiêm sẽ cho phép ô tô con
và xe khách lưu thông 24/24; còn mô tô và xe gắn máy, xe vận tải chỉ
được đi thông qua hầm trong một khoảng thời gian quy định mỗi ngày.
Các
đối tượng không được phép lưu thông qua hầm, gồm người đi bộ, xe thô
sơ, xe 3 - 4 bánh tự chế, xe vận chuyển hàng siêu trường siêu trọng, xe
bánh xích, xe quá khổ giới hạn, xe vận chuyển chất thải nguy hại, xe vận
chuyển súc vật sống không đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường và các
phương tiện vận chuyển hàng nguy hiểm.
Nhận định về tiềm năng của hầm Thủ Thiêm và Đại lộ Võ Văn Kiệt, ông Phúc cho rằng, đây là trục đường gần nhất nối trung tâm TP.HCM với khu Đông Sài Gòn, nối cảng Cát Lái với các tỉnh miền Đông và miền Tây. Đó là chưa kể UBND TP.HCM đã có kế hoạch kết nối điểm cuối đại lộ Đông - Tây (là Ngã ba Cát Lái với trục đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây) và kết nối điểm đầu của đại lộ Đông - Tây với đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận, thì trục đại lộ Đông - Tây, trong đó có hầm Thủ Thiêm, sẽ càng phát huy hiệu quả khai thác.
Ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM nhận định, dự kiến khi hầm Thủ Thiêm được vào khai thác, sẽ có khoảng 45.000 lượt xe ô tô và 15.000 lượt xe máy lưu thông qua hầm mỗi ngày để vào khu vực trung tâm thành phố, vì rút ngắn thời gian từ 30 đến 45 phút so với đi theo các tuyến đường khác. Khi đó, tình trạng kẹt xe tại cầu Sài Gòn, cầu Bình Triệu và hàng loạt tuyến đường nội thành khác như Nguyễn Hữu Cảnh, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Thị Minh Khai… sẽ phần nào giảm bớt, góp phần tiết kiệm hàng chục tỷ đồng chi phí nhiên liệu mỗi ngày.
“Đây chính là cơ hội cho các DN vận tải rút ngắn thời gian và cước phí vận chuyển hàng hóa từ cảng Cát Lái, cảng Phước Long vào nội thành, DN sản xuất cũng phần nào được hưởng lợi do chi phí vận chuyển sẽ giảm”, ông Chung nói.
Ông
Tất Thành Cang, Chủ tịch UBND quận 2, TP.HCM nhận định, việc thông xe
hầm Thủ Thiêm mở đầu cho thời kỳ tăng tốc phát triển của quận 2, đặc
biệt ở các dự án đầu tư bất động sản. Hiện trên 90% diện tích của quận 2
đã được phủ kín bởi hơn 300 dự án khu đô thị và trung tâm thương mại.
“Tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, hiện tỷ lệ giải phóng mặt bằng đã đạt
97,85% trong tổng diện tích 720 ha. Một số nhà đầu tư dự kiến sẽ khởi
động hoặc mở bán các dự án vào đầu năm 2012 để tận dụng cơ hội khi hầm
Thủ Thiêm đi vào hoạt động”, ông Cang cho biết thêm.