Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng, việc sử dụng vốn nhất là đối với các doanh nghiệp, tập đoàn, dự án sân sau.

Ngân hàng vẫn cho vay dự án đủ pháp lý

Tại hội nghị trực tuyến về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản do Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động để có dư địa phấn đấu giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế, trong đó có người mua nhà và các dự án bất động sản đã hoàn thiện thủ tục pháp lý, có khả năng trả nợ; đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Tập trung nguồn vốn tín dụng vào các dự án, phương án vay vốn khả thi, đảm bảo tính pháp lý, các dự án có khả năng hoàn thành, sớm đi vào sử dụng, có khả năng tiêu thụ tốt, có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở.

Tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, và đảm bảo kế hoạch trả nợ; nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả cao.

Đồng thời, thực hiện các giải pháp phù hợp với quy định của pháp luật để hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản và cá nhân, tổ chức mua, nhận chuyển nhượng bất động sản tiếp cận vốn khi đáp ứng đầy đủ điều kiện cấp tín dụng theo quy định.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: SBV

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với phân khúc bất động sản cao cấp đang dư thừa nguồn cung, không có nhu câu thực. Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng, việc sử dụng vốn nhất là đối với các doanh nghiệp, tập đoàn, dự án sân sau.

Các tổ chức tín dụng cũng phải chủ động rà soát, phân loại, đánh giá các dự án đang cấp tín dụng để có giải pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án; kịp thời có giải pháp tín dụng cho các doanh nghiệp hoạt động tốt, các dự án phát triển khu công nghiệp, dịch vụ gặp khó khăn tạm thời.

Đối với các dự án hiện đang vướng mắc về thủ tục pháp lý không thuộc lĩnh vực ngân hàng thì đề nghị khách hàng chủ động báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét tháo gỡ. Đồng thời, đảm bảo thực hiện các thỏa thuận, hợp đồng cấp tín dụng đã ký kết với doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà.

Xem xét cấp tín dụng đối với cả chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, người mua nhà và các đơn vị sản xuất cung cấp vật tư, vật liệu xây dựng để tăng khả năng luân chuyển vốn và thanh khoản cho thị trườngbất động sản; chủ động kiểm soát chặt chẽ dòng tiền, mục đích sử dụng vốn vay, thu nợ đầy đủ, đúng hạn. Đẩy mạnh cho vay người mua nhà, thu nợ người bán nhà trong cùng một dự án.

Doanh nghiệp cần cơ cấu lại các sản phẩm

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, trong 3 năm gần đây, tín dụng trong lĩnh vực bất động sản đều tăng, chưa có dấu hiệu giảm, cụ thể năm 2020 là 653 nghìn tỷ đồng, 2021 là 728 nghìn tỷ đồng, năm 2022 là 800 nghìn tỷ đồng. Những tháng cuối năm 2022, NHNN đã đề xuất với Chính phủ có chính sách nới room tín dụng trong khi room vẫn còn.

Mặc dù vậy, trong quý 4, các doanh nghiệp bất động sản vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân liên quan đến thể chế, pháp lý trong lĩnh vực bất động sản.

Hiện Bộ Xây dựng đang chủ trì sửa hai dự án luật nhà ở và kinh doanh bất động sản, sẽ có nhiều chính sách để khắc phục những vướng mắc, có nhiều vướng mắc hiện đang đề xuất trình Quốc hội Nghị quyết tháo gỡ khó khăn kịp thời, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh trong thời gian tới.

Theo Thứ trưởng Sinh, để tiếp cận nguồn vốn tín dụng thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, không chỉ về phía ngân hàng, trước hết các doanh nghiệp cần đáp ứng đảm bảo đủ điều kiện, tiêu chí thì ngân hàng mới an tâm cho vay. Bởi lẽ bản thân ngân hàng cũng phải thực hiện đúng các quy định pháp luật. Doanh nghiệp cũng cần cơ cấu lại các sản phẩm kinh doanh trong lĩnh vực của mình, rà soát lại các dự án để phù hợp nguồn lực của mình, tránh tình trạng vượt quá khả năng của doanh nghiệp.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.