Trong cơ cấu sản phẩm, khách hàng trong nước đang có xu hướng dịch chuyển từ xi măng bao sang sử dụng xi măng rời, nhà dân dụng cũng tăng sử dụng bê tông tươi.

Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị hôm 28/10 vừa qua, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) cho biết ngành xi măng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như giá nguyên nhiên liệu tăng cao và mất cân đối cung cầu.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng trong nước hiện nay đang có xu hướng dịch chuyển từ xi măng bao sang xi măng rời. Mặc khác, nhu cầu sử dụng bê tông tươi của nhà dân cũng tăng mạnh trong giai đoạn này.

Người tiêu dùng trong nước đang có xu hướng dịch chuyển từ xi măng bao sang sử dụng xi măng rời

Tuy nhiên, giá bán trung bình và tỷ suất lợi nhuận từ xi măng rời là thấp hơn xi măng bao khiến tỷ suất lợi nhuận các doanh nghiệp trong ngành không có nhiều tiềm năng cải thiện.

Lãnh đạo Vicem nhận định, xu hướng này làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh của các công ty thành viên Vicem, do giá trị thương hiệu chủ yếu gắn với xi măng bao. Đó là chưa kể, giá vật tư, nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất xi măng, đặc biệt chi phí năng lượng dự báo vẫn tiếp tục tăng cao.

Mặc khác, giá bán xi măng trong nước vẫn đang có sự chênh lệch lớn theo khu vực và đang bị mất cân đối "cung - cầu" cục bộ giữa các vùng miền trong nước làm phát sinh chi phí logistics, không ổn định nguồn cung do phụ thuộc vào thời tiết.

Đơn cử, nếu miền Bắc có 58 dây chuyền sản xuất xi măng, thì miền Trung chỉ bằng chưa đầy một nửa với 24 dây chuyền, miền Nam vỏn vẹn 5 dây chuyền.

Trong khi miền Bắc dư cung lớn, miền Nam lại thiếu trầm trọng, nên hàng năm phải vận chuyển hơn 15 triệu tấn xi măng từ Bắc vào khu vực Tây Nguyên và miền Nam. Do đó, giá xi măng tai miền Nam đang ở mức tương đối cao. Đây cũng là khu vực thiếu cung trong khi nhu cầu xi măng lại lớn hơn rất nhiều.

Hiện Vicem là doanh nghiệp có thị phần chiếm 33% của toàn ngành nhưng cũng chật vật thúc đẩy bán hàng. Ông Lê Nam Khánh, Tổng giám đốc Vicem thừa nhận, cung cầu mất cân đối do tình trạng dư cung lớn nên bán hàng rất khó khăn.

Doanh nghiệp này đang có sự chuyển đổi cơ cấu sản xuất xi măng bằng cách giảm tỷ lệ xi măng đóng bao và tăng tỷ lệ xi măng rời để phục vụ các công trình xây dựng công nghiệp, trạm trộn bê tông thương phẩm.

Cụ thể, Vicem xác định đưa cơ cấu xi măng rời ở mức 30% cơ cấu sản phẩm, tương đương 5-6 triệu tấn/năm trong tổng lượng sản xuất xi măng của toàn công ty.

  • 6 vật liệu thay thế xi măng trong tương lai

    6 vật liệu thay thế xi măng trong tương lai

    Trong tương lai gần, các vật liệu như xỉ lò cao, tro bay, graphene… có thể thay thế một phần hay toàn bộ xi măng poóc lăng trong xây dựng, nhằm giảm chi phí và tác động tiêu cực đến môi trường.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.