Mạng sản xuất toàn cầu đang bị đứt gãy trên quy mô chưa từng thấy trước đây. Việc xác lập vai trò cao hơn của Việt Nam trong chuỗi cung ứng đang được đặt ra.
“Thời điểm đặc biệt”
“Dù bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nhưng Việt Nam vẫn tăng trưởng dương, thặng dư thương mại gần 12 tỷ USD; dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam đến hạ tuần tháng 8/2020 đạt gần 20 tỷ USD, vốn thực hiện trên 11 tỷ USD. Đây là những thành tựu rất đáng tự hào của Việt Nam trong bối cảnh suy giảm mạnh trên toàn cầu do cú sốc Covid-19”.
Đó là những đánh giá của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2020 (VRDF) với chủ đề “Việt Nam: Hành động để phục hồi tăng trưởng nhanh theo hướng bền vững và bao trùm trong kỷ nguyên Covid-19”, diễn ra ngày 29/9.
Diễn đàn VRDF diễn ra trong bối cảnh thế giới đứng trước nhiều biến động.
Nhấn mạnh đến “thời điểm hết sức đặc biệt” của VRDF 2020, ông Nguyễn Chí Dũng chia sẻ: Việt Nam chuẩn bị tiến hành Đại hội Đảng lần thứ XIII, xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược phát triển đất nước thời kỳ 2021-2030 và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025... Ngoài ra, đại dịch Covid-19 đã và đang tác động nghiêm trọng, nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội toàn cầu, đặt ra cho Việt Nam những thách thức không nhỏ và đồng thời cũng đem lại những cơ hội mới cho phát triển.
Chưa kể: “Việt Nam vẫn phải đối mặt với những hạn chế, yếu kém nội tại của một nền kinh tế đang phát triển với mức thu nhập trung bình thấp, tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào vốn, lao động giá rẻ và khu vực đầu tư nước ngoài”, ông Nguyễn Chí Dũng nói.
Trong bài trình bày tại diễn đàn, bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch phụ trách Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới (WB), nhận định: Vẫn còn quá sớm để hiểu được tác động đầy đủ của virus này đối với nền kinh tế toàn cầu. Ước tính sơ bộ của các chuyên gia kinh tế của WB cho thấy một cuộc suy thoái toàn cầu sâu hơn nhiều so với cuộc Đại suy thoái trước đây. Dòng vốn FDI toàn cầu và thương mại toàn cầu về hàng hóa trung gian và dịch vụ sẽ cần thời gian để phục hồi sau cú sốc Covid-19 này.
“Hậu quả trước mắt của đại dịch là các nước đang phát triển đối mặt với những cơn gió ngược mạnh”, bà Victoria Kwakwa chia sẻ.
Theo lãnh đạo WB Đông Á - Thái Bình Dương, FDI, đầu tư gián tiếp và kiều hối đều giảm nghiêm trọng. Việc ồ ạt tháo chạy nhằm bảo toàn vốn gây ra sụt giảm đột ngột trong định giá tài sản và làm tăng mức biến động của thị trường tài chính trên khắp thế giới. Các dòng tài chính tư nhân bên ngoài vào các nền kinh tế đang phát triển có thể giảm 700 tỷ USD vào năm 2020 so với năm 2019, vượt quá tác động tức thì của Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 tới 60%.
Việt Nam đang có nhiều cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng
Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, vẫn thua nhiều nước ASEAN
Mạng sản xuất toàn cầu đang bị đứt gãy trên quy mô chưa từng thấy trước đây. Một mặt, việc giảm đột ngột sự dịch chuyển vốn, hàng hóa, nhân lực và dịch vụ đề cập ở trên góp phần vào làm đứt gãy các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC).
Trung Quốc, cùng với Nhật Bản, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu tạo nên chính phần cốt lõi của mạng sản xuất toàn cầu. Tất cả những trung tâm quan trọng nhất của mạng sản xuất toàn cầu này đều bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi virus. Ngoài ra, các chuỗi cung ứng này tập trung quá mức tại các vùng có dịch, nhất là Trung Quốc.
Bản đồ chuỗi cung ứng cho thấy 1.000 công ty hay nhà cung ứng lớn nhất trên thế giới sở hữu hơn 12.000 cơ sở (nhà máy, nhà kho và các hoạt động khác) tại các khu vực phải cách ly do Covid-19, hầu hết ở Trung Quốc. Mức tập trung cao về chuỗi cung ứng này giải thích cho mức độ nghiêm trọng của đứt gãy mà đến lượt nó dẫn đến suy giảm thương mại quốc tế, do các GVC chiếm trên 50% thương mại quốc tế.
“Vẫn còn dư địa đáng kể để cải thiện phát triển GVC nhằm thực hiện mục tiêu phát triển dài hạn đầy tham vọng của Việt Nam là trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045 và thu hẹp khoảng cách với các nền kinh tế tiến tiến”, đại diện WB nhấn mạnh.
Song, hiện việc Việt Nam tham gia vào các GVC toàn cầu và khu vực vẫn còn hạn chế. Mặc dù là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới và thành công trong việc thu hút FDI, mức độ tham gia của Việt Nam vào các GVC vẫn thấp hơn nhiều so với các nước cùng khối ASEAN như Singapore, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia. Mức độ tham gia vào các công đoạn tinh vi phức tạp của Việt Nam cũng vẫn còn thấp.
TS. Jonathan Pincus, Cố vấn quốc tế cao cấp, Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) cho rằng, Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với công ty đa quốc gia tìm kiếm nền tảng xuất khẩu chi phí thấp do tiền lương ở Trung Quốc tăng và tranh chấp thương mại với Hoa Kỳ. Đây là một trong những phương án lựa chọn thay thế hàng đầu, đặc biệt với những ngành thâm dụng lao động dịch chuyển từ Trung Quốc sang.
Song, ông Jonathan Pincus cũng khuyến nghị Việt Nam cần thu hút dòng vốn FDI mang lại giá trị gia tăng cao hơn, thay vì khuyến khích những ngành “thâm dụng lao động”.
Ông cũng dự đoán khi thu nhập của Việt Nam tăng lên, sức mua tăng, sẽ xuất hiện ngày càng nhiều những dòng vốn FDI tìm đến Việt Nam để khai thác thị trường.
Theo bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, thế giới đang thay đổi và Việt Nam cũng vậy. "Thế giới đang phải đối mặt với cú sốc lớn nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai", bà nhấn mạnh.
Bà Carolyn Turk cho rằng luôn có cơ hội từ các cuộc khủng hoảng, đó là thương mại và đầu tư toàn cầu và cơ hội từ nền kinh tế không tiếp xúc. Thách thức đối với Việt Nam là không nhất thiết thu nhiều vốn FDI mà phải tối ưu hóa sử dụng FDI, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực.