CafeLand - Theo báo cáo tổng hợp đánh giá tình hình cơ cấu lại, các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, tình hình thoái vốn, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ngày càng chậm, 9 tháng đầu năm 2019 mới chỉ bằng 45% năm 2018.

Báo cáo tổng hợp đánh giá tình hình cơ cấu lại, các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước tại hội nghị “ Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước” cho biết, từ năm 2016 đến tháng 9/2019 tình hình thực hiện cổ phần hóa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là rất chậm. Một số phương án cơ cấu lại của các tập đoàn, tổng công ty còn đang chờ được phê duyệt. Đến 30/9/2019 vẫn còn tới 71% số doanh nghiệp (378 doanh nghiệp) chưa được phê duyệt phương án tái cơ cấu.

Thoái vốn, CPH DNNN ngày càng chậm

Lũy kế giai đoạn 2016 – tháng 9/2019, đã có 168 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.056 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 206.694 tỷ đồng.

Về tình hình thoái vốn, báo cáo cho biết lũy kế trong giai đoạn từ năm 2016 – tháng 9/2019, cả nước đã thoái được 24.510 tỷ đồng, thu về 170.629 tỷ đồng.

Cổ phần hóa chậm, thoái vốn ít nên việc bán đấu giá cổ phần nhà nước ở Sở giao dịch chứng khoán cũng ít. Tính đến tháng 9/2019: Số doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn 9 tháng đầu năm 2019 bằng 45% so với năm 2018. Tổng giá trị thực tế bán được đạt hơn 4.771 tỷ đồng, bằng hơn 12% tổng giá trị thực tế bán được năm 2018, bằng hơn 3,7% tổng giá trị thực tế bán được năm 2017.

Trước đó, từ năm 2016 đến năm 2018, tổng giá trị thực tế bán được cao, thặng dư thu được từ bán đấu giá cổ phần hóa và thoái vốn tăng mạnh, đặc biệt là năm 2017, cao hơn gấp 5,5 lần với các năm trước do năm 2017 có đợt thoái vốn của Bộ Công Thương tại Sabeco, thoái vốn của SCIC tại CTCP Sữa Việt Nam Vinamilk.

Việc chuyển giao chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC cũng bị đánh giá là quá chậm chạp. Đến nay mới thực hiện chuyền giao 32 doanh nghiệp, còn 30 doanh nghiệp (với tổng số vốn nhà nước là 630 tỷ đồng) chưa chuyển giao.

Về đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán cũng cần được đẩy nhanh. Đến nay mới có 840 DNNN cổ phần hóa đã đăng ký giao dịch, niêm yết trên hai Sở Giao dịch chứng khoán (trong đó, số lượng doanh nghiệp niêm yết là 314 doanh nghiệp; số lượng doanh nghiệp đăng ký giao dịch là 526 doanh nghiệp). Vẫn còn 755 DNNN cổ phần hóa chưa thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn có tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm khiến cho việc phê duyệt các phương án cổ phần hóa rất lâu.

Về hiện tượng còn nhiều DN chưa đăng ký, niêm yết, công khai thông tin, Phó Thủ tướng khuyến cáo, việc thực hiện chưa nghiêm túc, nhưng việc kiểm tra, xử lý rất hạn chế. Phải nghiêm túc xem trách nhiệm và nguyên nhân ở đâu.

  • Có nên hay không bảo vệ quyền lợi cổ đông nhỏ?

    Có nên hay không bảo vệ quyền lợi cổ đông nhỏ?

    CafeLand - Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sẽ mở rộng đối tượng có thể tiếp cận thông tin sâu của doanh nghiệp, tham gia vào quá trình hoạt động của doanh nghiệp nhằm bảo vệ quyền lợi của cổ đông nhỏ lẻ.

Đình Vũ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.