Những nghiên cứu theo kiểu “có còn hơn không”
Tại một hội nghị quốc tế về bất động sản (BĐS) được tổ chức mới đây tại TP.HCM, một nhà đầu tư nước ngoài nhận định, về cơ bản, thị trường BĐS Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển, song một trong những khó khăn để các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận cơ hội đầu tư là rất khó nắm bắt được những thông tin về thị trường, từ thông tin về quy hoạch đến nhu cầu, nguồn cung thực tế… Nguyên nhân là Việt Nam hiện chưa có một kênh thông tin chính thống nào cung cấp những loại thông tin trên.
Do không có nguồn thông tin chính thống, nên phần lớn nhà đầu tư phải tự tìm hiểu thông tin hoặc thông qua các mối quan hệ với các doanh nghiệp địa phương hay dựa vào các báo cáo thị trường của các đơn vị nghiên cứu tư vấn. Không thể phủ nhận là, trong phạm vi hoạt động của mình, có đơn vị ít nhiều bỏ ra công sức nghiên cứu thị trường để đưa ra được các số liệu tương đối cơ bản. Song, theo giới kinh doanh địa ốc, phần lớn các nghiên cứu, dự báo hiện vẫn chưa phản ảnh được thực tế thị trường và còn mang tính chủ quan.
Ông Trần Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty Vinaland cho rằng, trong khi có một kênh thông tin chính thống từ cơ quan nhà nước, thì việc xuất hiện các báo cáo thị trường của nhiều công ty nghiên cứu thị trường chỉ là “có còn hơn không”. “Nếu các công ty nghiên cứu thị trường đưa ra báo cáo thị trường trong phạm vi quản lý của họ thì có thể đúng, còn nếu báo cáo cho cả thị trường thì rất đáng hoài nghi”, ông Hoàng nhận định và cho rằng, về nguyên tắc, các đơn vị nghiên cứu và tư vấn phải độc lập với nhau, nhưng thực tế phần lớn các báo cáo nghiên cứu thị trường cũng chính do các đơn vị tư vấn đưa ra. Đây là một điều cần suy ngẫm.
Bà Nguyễn Thị Thành Hương, thành viên Hiệp hội BĐS Đồng Nai cho rằng, thời gian qua, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến Đồng Nai để tìm hiểu cơ hội đầu tư vào BĐS. Tuy nhiên, điều họ e ngại nhất trước khi quyết định đầu tư đó là sự thiếu thông tin về thị trường.
Đầu tư theo “cảm nhận”
Ông Tống Văn Nga, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam thừa nhận, việc chưa có một kênh thống kê, phân tích dự báo chính thức từ các cơ quan quản lý chuyên môn là khiếm khuyết của thị trường BĐS. “TP.HCM có thị trường BĐS phát triển mạnh nhất nước, nhưng thực sự khó tìm được thông tin chính thức nào từ các cơ quan quản lý nhà nước để phân tích, dự báo. Phần lớn thông tin của thị trường chỉ dựa vào báo cáo của những công ty nghiên cứu thị trường như CBRE, Savills…”, ông Nga nói.
Theo nhiều chuyên gia, hệ lụy từ việc thiếu thông tin dự báo không những làm cho thị trường BĐS thiếu minh bạch, mà còn tạo ra nhiều nghịch lý khác. Ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM nhận xét, từ những năm 2007 - 2008, thời điểm phân khúc căn hộ cao cấp lên cơn sốt, các nhà đầu tư đua nhau xây dựng các dự án căn hộ cao cấp theo xu hướng thị trường, mà không căn cứ vào nhu cầu thực tế. Kết quả là, sau đó phân khúc này bị đóng băng do đối tượng khách hàng hạn hẹp.