Đã cả tháng nay, anh T.V. Quý (quận 3) nhờ nhiều người bạn làm việc trong lĩnh vực bất động sản săn tìm giúp mình một căn hộ giá khoảng 12 triệu đồng/m2 với điều kiện được vay trong gói hỗ trợ lãi suất 6%/năm, nhưng bất thành. Nguyên nhân là trên thị trường hiện đang rất khan hiếm những dự án thuộc phân khúc này. Tương tự, vợ chồng chị N.T.T. Hà (quận Tân Phú) sau khi gom góp được 200 triệu đồng cũng muốn tìm mua một căn hộ khoảng 50m2 với giá khoảng 600 triệu đồng để được vay tiền lãi thấp, nhưng suốt gần hai tháng vẫn không tìm ra, thậm chí tìm dự án có giá 14 triệu đồng/m2 cũng rất khó, nếu có thì chủ đầu tư đã bán hết.
Quảng cáo thì nhiều nhưng số căn hộ dưới 1 tỉ chỉ chiếm 6% trên thị trường
Chúng tôi cũng đã khảo sát qua các sàn giao dịch bất động sản và thấy rằng phần lớn những người tìm đến đây đều đặt yêu cầu căn hộ giá rẻ, cơ sở hạ tầng hoàn thiện, đặc biệt là phải giao nhà hoặc cam kết giao nhà trong thời gian gần nhất. Tuy nhiên, ông Đoàn Chí Thanh, giám đốc công ty bất động sản Hoàng Anh Sài Gòn: “thú thật là công ty cũng không tìm được nhiều dự án như vậy để bán”. Còn theo thống kê của công ty Savills Việt Nam, thị trường vừa qua chỉ có 6% căn hộ có giá dưới 1 tỉ đồng, trong khi số căn hộ trên 1 tỉ đồng chiếm đến 94%. Trong năm 2013, khi mặt bằng căn hộ tiếp tục giảm, tỷ trọng căn hộ loại 1 tỉ đồng trở xuống cũng chỉ chiếm tối đa 10% trong tổng nguồn cung trên thị trường. Với con số thống kê này, cơ hội để những người có thu nhập thấp, trung bình mua được nhà là rất khó khăn.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch hiệp hội Bất động sản TP.HCM, phân tích: dù đang có nhiều dự án chào bán trên thị trường với mức giá vừa phải, nhưng do diện tích lớn dẫn đến tổng giá trị căn hộ vượt quá khả năng chi trả của nhiều khách hàng. Thêm vào đó, trước nhiều vụ việc “tiền đã trao mà căn hộ không thấy”, nên đối với những khách hàng có nhu cầu ở thật thì ngoài tiêu chí giá cả, ưu tiên hàng đầu của họ vẫn là những căn hộ có thể dọn vào ở ngay. Tuy nhiên, những căn hộ đã và sắp hoàn thành với giá cả phù hợp thì trên thị trường lại rất khan hiếm.
“Không có chuyện giải cứu doanh nghiệp” Đó là khẳng định của ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại văn bản vừa gửi trả lời hiệp hội Bất động sản TP.HCM xung quanh những kiến nghị triển khai gói tín dụng 30 ngàn tỉ đồng. Theo đó, trước lo ngại của hiệp hội Bất động sản TP.HCM rằng gói tín dụng 30.000 tỉ đồng là để giải cứu doanh nghiệp hơn là hỗ trợ người thu nhập thấp mua nhà, NHNN cho rằng tỷ lệ 30% cho doanh nghiệp và 70% cho cá nhân là tỷ trọng duy trì tổng thể của chương trình. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, tại thời điểm nhất định, tỷ lệ này có thể thay đổi do các ngân hàng căn cứ vào các đối tượng khách hàng của mình để có kế hoạch cho vay linh hoạt trong từng giai đoạn, đảm bảo phù hợp với cung cầu của thị trường. Cụ thể, giai đoạn đầu các ngân hàng có kế hoạch đẩy mạnh giải ngân cho doanh nghiệp để tăng cung nhà ở xã hội và giai đoạn sau đẩy mạnh cho đối tượng người mua nhà khi cung trên thị trường đã dồi dào. Tuy nhiên, về tổng thể thì vẫn đảm bảo tỷ lệ cho vay giữa khách hàng và doanh nghiệp như cơ cấu ban đầu. NHNN cũng khẳng định, ngay cả nghị quyết 02 và nghị quyết 48 của Chính phủ đều không đề cập đến vấn đề giải cứu thị trường bất động sản hay giải phóng hàng tồn kho, mà để ra giải pháp hỗ trợ về nhà ở cho những đối tượng khó khăn, bởi hỗ trợ tốt cho những đối tượng này mua nhà cũng chính là giải pháp giải quyết hàng tồn kho bất động sản. |