CafeLand - Hiện nay, một số dự án bất động sản "mượn" phong cách thiết kế “thành phố thẳng đứng” nhằm tăng giá trị và sức hút khi bán hàng. Trao đổi với CafeLand, một số chuyên gia kiến trúc khẳng định đến thời điểm này, trên thế giới chưa có một công trình nào áp dụng lối thiết kế này.

Việc gọi tên dự án đầy mỹ miều, quảng cáo dự án bằng những ngôn từ “có cánh”, tự gắn mác “cao cấp”, “thông minh” hay “mượn” một phong cách thiết kế độc đáo để nâng tầm giá trị cho dự án… là những cách thức phổ biến được nhiều doanh nghiệp bất động sản hiện nay áp dụng để bán hàng.

Tuy nhiên, bên cạnh một số thuật ngữ quen tai vẫn có những khái niệm được chủ đầu tư dùng để giới thiệu dự án khiến khách hàng ngơ ngác, không biết vì đó là những khái niệm chuyên ngành hay phải chăng do chưa tồn tại trên thực tế?

Mới đây, một dự án bất động sản ở Hà Nội giới thiệu áp dụng theo phong cách “thành phố thẳng đứng”, và đã được một tổ chức nước ngoài vinh danh ở hạng mục dự án chung cư cao cấp có thiết kế kiến trúc tốt nhất khi mới xây dựng đến tầng thứ 5.

Theo lời giới thiệu của chủ đầu tư dự án này, “thành phố thẳng đứng” là một xu hướng bất động sản rất thịnh hành trên thế giới, đang phát triển mạnh mẽ tại các thành phố hiện đại bậc nhất hiện nay.

Trong vai người mua nhà tham quan nhà mẫu tại dự án này, khi hỏi về những giá trị mà khách hàng sẽ được thụ hưởng tại dự án, một nhân viên môi giới cho biết toà nhà tích hợp đủ các tiện ích không gian làm việc, khu vui chơi, thư giãn như nhiều toà nhà cao tầng khác hiện nay.

Khảo sát một số khách hàng và cả những người làm trong ngành xây dựng được biết, họ hoàn toàn thấy lạ lẫm với khái niệm này.

Một số chuyên gia kiến trúc khẳng định, nếu xét đúng bản chất thì trên thế giới hiện nay chưa có một công trình nào áp dụng theo lối thiết kế này được thực hiện.

Câu chuyện viễn tưởng?

PGS.TS Hoàng Mạnh Nguyên, Viện trưởng Viện Kiến trúc Nhiệt đới, Trường đại học Kiến trúc Hà Nội, cho biết thiết kế “thành phố thẳng đứng” hay “thành phố theo chiều đứng” xuất hiện giữa thế kỷ XX khi điều kiện kỹ thuật, kinh tế đô thị đạt đến khả năng để con người có thể nghĩ đến xu hướng phát triển đô thị theo chiều đứng.

Các chuyên gia cho rằng, thiết kế "thành phố thẳng đứng" là câu chuyện ở tương lai, đòi hỏi tiềm lực tài chính mạnh và trình độ kỹ thuật, công nghệ cao.

Trước đây, thiết kế này được các kiến trúc sư tầm cỡ trên thế giới vẽ ra như một câu chuyện hơi mơ mộng, viễn tưởng, vì không đơn thuần chỉ là toà nhà theo chiều cao nữa mà bao gồm trong đó là cả hệ thống giao thông, kinh tế nông nghiệp phục vụ cho thành phố cũng đưa theo chiều đứng. Càng về sau này khi các vấn đề phát triển đô thị nảy sinh thì thiết kế này được coi như giải pháp tháo gỡ.

“Hiện nay tại Việt Nam và các nước phát triển trên thế giới mới chỉ đang phát triển dạng đô thị nén, còn nếu gọi đúng tên gọi và bản chất là thành phố theo chiều đứng thì đúng là chưa có”, ông Nguyên cho biết.

Theo ông, vì chưa có sự đồng bộ về hạ tầng, giao thông và cần sự phối hợp của nhiều thành tố. Khi không có giải pháp tổng thể thì không thể gọi là thành phố theo chiều đứng mà chỉ là một vài toà nhà hoặc cụm công trình theo chiều đứng. Không thể cứ tích hợp vài tiện ích trong một toà nhà thì gọi là thành phố được.

Một cách khách quan, ông Nguyên cho biết, việc xây dựng các toà nhà theo chiều đứng dưới dạng đô thị nén có lợi thế tiết kiệm quỹ đất. Khi các công trình được tập trung theo chiều cao thì việc xử lý về mặt kỹ thuật sẽ rất hữu quan, hiệu quả khai thác công trình cũng rất tốt.

Về mặt quản lý vận hành, toà nhà theo chiều đứng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều so với những công trình phân tán. Về đầu tư thiết bị lắp đặt cũng tiết kiệm và hiệu quả hơn.

Xét ở một góc độ nào đó, thiết kế theo chiều đứng còn thể hiện quyền lực của công trình và đơn vị phát triển. Các tập đoàn tư bản ở nước ngoài cũng coi đây như một cách để phô diễn sức mạnh.

Do đó, phát triển các công trình cao tầng trở thành một trào lưu và được biến thành những cỗ máy kiến trúc để hoàn thiện các hoạt động của đô thị.

Tuy nhiên, ông Nguyên cho rằng việc phát triển nhà cao tầng trong các khu đô thị hiện hữu nếu không được tính toán kỹ lưỡng dễ gây ra hiện tượng tắc nghẽn giao thông, thiếu điện nước, ô nhiễm môi trường.

Một khuyết điểm nữa của lối thiết kế này là đòi hỏi kỹ thuật và công nghệ đến một trình độ nhất định mới làm được, đòi hỏi sự đồng bộ, chính xác.

Ông cho biết thêm, hiện nay có những công trình khi xây dựng gần như tách hẳn ra khỏi cấu trúc của một thành phố. Như vậy chỉ mang lại giá trị cho chủ đầu tư và người sử dụng công trình đó còn giá trị cho toàn thành phố, đô thị thì không, thậm chí còn gây ra những tác động tiêu cực.

Theo ông Nguyên, hiện nay có nhiều dự án khu đại đô thị được phát triển có thể tạm coi là những thành phố thu nhỏ bởi tích hợp rất nhiều hạ tầng kỹ thuật, xã hội trong đó. Nhưng câu chuyện theo chiều đứng hiện nay vẫn đang phát triển đơn lẻ từng công trình, không có hệ thống.

Xét ở góc độ đô thị, có thể không nhất thiết phải đưa lên cao nhưng phải nằm trong hệ thống của việc phát triển không gian theo chiều đứng, cũng không nhất thiết vì theo chiều đứng mà tất cả mọi thành tố phải đẩy lên cao.

“Quan trọng là làm sao để đảm bảo giá trị mà thiết kế đó mang lại, tiết kiệm quỹ đất, giải quyết các vấn đề về giao thông, nâng cao khả năng tương tác với thiên nhiên”, ông Nguyên nhấn mạnh.

Liên quan đến tình trạng doanh nghiệp vô tư gọi tên, gắn những danh xưng “lạ” hoặc mượn những lối thiết kế chưa phổ biến để quảng bá dự án nhằm thu hút khách hàng, Viện trưởng Viện Kiến trúc nhiệt đới cho rằng, bản chất tên gọi hay những danh xưng của các dự án bất động sản hiện nay đang rất lộn xộn. Nếu chúng ta đưa ra được những tiêu chuẩn cụ thể cho từng tên gọi, thì chủ đầu tư sẽ không thể tuỳ tiện sử dụng những tên gọi đó và quảng cáo quá đà.

Để khách hàng phân biệt được giá trị thực của một dự án trước những khái niệm xa lạ, theo ông Nguyên phải xây dựng được thị trường của những khách hàng thông thái, tức là hiểu được giá trị mang lại của sản phẩm, quyền lợi khách hàng ở đâu, khi đặt bút ký hợp đồng có thể kiểm chứng được những thông tin chủ đầu tư đưa ra có đúng hay không. Muốn làm được điều này thì đầu tiên chính chủ đầu tư phải có sự tìm hiểu kỹ về quy chuẩn và tuân thủ, áp dụng đúng những quy chuẩn đó vào công trình.

Trùng Khánh - Trung Quốc, một thành phố được tổ chức theo phong cách "thẳng đứng" với hệ thống cầu, giao thông kết nối trực tiếp từ các toà nhà chung cư đến các đơn vị hành chính, công cộng. Theo giới chuyên gia, xét theo đúng bản chất, thì đây là một trong những toà nhà hoặc cụm công trình theo chiều đứng.

Việt Nam chưa đủ tiềm lực

Một chuyên gia kiến trúc khác cho biết, hiện nay tên gọi cho lối thiết kế này vẫn chưa được xác nhận. Để hiểu được khái niệm này, trước tiên phải hiểu thành phố là gì. Xét về mặt kiến trúc, nơi đó phải có không gian phục vụ tất cả lợi ích, hoạt động của người dân, từ sản xuất, văn hóa, chính trị đến kinh doanh, giải trí… Liệu một tòa chung cư có đủ không gian để chứa được tất cả các tiện ích đó và nếu được thì phân bổ như thế nào trong không gian đó?

Theo vị này, một cách khách quan, vẫn có thể thực hiện được thiết kế này cho các công trình nhưng đòi hỏi tiềm lực tài chính mạnh và kinh nghiệm. “Với năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay thì chưa thể áp dụng và hiện cũng chưa có doanh nghiệp nào thực hiện được. Trên thế giới cũng chưa có, kể cả thử nghiệm”, vị này khẳng định.

Theo chuyên gia này, trước đây Nga, Anh khi làm nhà cao tầng có thử nghiệm về tổ hợp ở, không phải thành phố. Dubai đã làm và Nhật cũng đang nghiên cứu làm thành phố ngoài biển. Đó là cả quần thể rộng hàng trăm héc ta. Còn với thiết kế “thành phố theo chiều đứng”, có chăng là nhà đầu tư có tiềm lực mạnh như Ả Rập Xê-ut mới có tiền để làm.

“Có thể, các doanh nghiệp đang dựa trên ý tưởng, thiết kế này để xây dựng công trình có tích hợp một vài diện tích làm văn phòng, nhà trẻ, siêu thị và các dịch vụ khác, rồi cũng cho là dịch vụ của thành phố để nâng cao tính hấp dẫn, tiện dụng của dự án đó”, vị này nói.

Từ việc gọi tên những “thành phố theo trục đứng”, vị này cho rằng, nếu cố xây dựng công trình theo thiết kế này thì tiện ích chắc chắn sẽ không như mong muốn, vì không đạt được chỉ tiêu mà thiết kế này phải có.

Một nhược điểm khác nếu xây dựng tòa nhà theo thiết kế này là phải tách lối đi. Nhưng với chung cư, việc tách lối đi thì sẽ rất phức tạp trong việc tổ chức giao thông theo chiều đứng. Nếu tổ chức không gian dịch vụ ở phía dưới thì xung quanh phần dịch vụ cho người ở bị lẫn lộn và thu hẹp.

Mặt khác, tòa nhà xây theo thiết kế này thì vấn đề tương tác với thiên nhiên gần như bị triệt tiêu hoàn toàn. Diện tích cho không gian chung gần như bị mất, nếu làm siêu thị ở dưới tầng thì sân chơi không còn.

“Tóm lại, xây “nhà trong thành phố” là một giải pháp cực tệ, có chăng coi đó là một mục tiêu phấn đấu trong các công trình tương lai thì có thể”, vị này nói.

  • Thiệt hại lớn do quảng cáo chung cư quá đà

    Thiệt hại lớn do quảng cáo chung cư quá đà

    CafeLand - Không ít khách hàng đã“vỡ mộng” khi được bàn giao nhà do sản phẩm không đúng như nhà mẫu và cam kết ban đầu từ chủ đầu tư. Đây chính là “ngòi nổ” cho “quả bom” tranh chấp tại các chung cư hiện nay, mà doanh nghiệp chính là bên đầu tiên gánh chịu thiệt hại nặng nề về uy tín và tiền bạc.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.