Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, dịch vụ, du lịch, cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh và yêu cầu triển khai nhiều dự án đầu tư về cơ sở hạ tầng… đã tạo những áp lực, thách thức nhất định trên địa bàn thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam).

Thị xã Điện Bàn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong công tác quản lý đất đai tại khu vực quy hoạch dự án Làng Đại học. Ảnh: Lê Phước Bình

Nhiều thách thức trong quản lý đất đai

Báo cáo số 408/BC-UBND của UBND thị xã Điện Bàn nêu ra nhiều khó khăn, thách thức trong công tác quản lý nhà nước về đất đai như công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, việc phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch; việc giao đất, cho thuê đất; đấu giá quyền sử dụng đất; thu hồi đất để thực hiện các dự án; chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, lập và quản lý hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;…

Trong những năm qua, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từng bước đi vào nề nếp, giải quyết kịp thời nhu cầu sử dụng đất trên địa bàn thị xã. Tuy nhiên, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn nhiều hạn chế như quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn mới chưa đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất.

Một số quy hoạch xây dựng chi tiết đã công bố nhiều năm nhưng không triển khai hoặc chỉ triển khai một phần diện tích, ít quan tâm điều chỉnh quy hoạch làm ảnh hưởng đến quyền lợi người dân vùng dự án, phát sinh đơn thư khiếu nại, kiến nghị.

Việc rà soát loại đất, diện tích, vị trí để đăng ký vào danh mục thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất của các địa phương còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa đồng bộ và thiếu chính xác làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng đất và gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về đất đai.

Nhiều dự án phát sinh nằm ngoài quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt do chưa dự báo chính xác, nhất là các dự án về lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ thương mại.

Trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất cũng gặp phải khó khăn, chẳng hạn như tình trạng người trúng đấu giá nhưng không nhận kết quả đấu giá.

Hiện nay, có xu hướng nhiều người đấu giá trả giá cao so với giá thị trường, nên dẫn đến việc bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với các dự án lân cận rất khó khăn.

Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng gặp phải nhiều vướng mắc. Cụ thể, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp theo Nghị định 64/NĐ-CP ngày 27/9/1993, Nghị định 60/NĐ-CP ngày 05/4/1994 ghi loại đất “thổ cư” hoặc “đất ở+đất vườn” thời hạn lâu dài đã gây khó khăn trong công tác quản lý đất đai tại địa phương mà chưa được hướng dẫn xử lý.

Nhiều dự án treo, quy hoạch treo kéo dài nhiều năm trên địa bàn thị xã gây khó khăn trong công tác quản lý về đất đai và quản lý hiện trạng ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, đặc biệt dự án Làng Đại Học Đà Nẵng.

Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các trường hợp sử dụng đất không đúng quy định của pháp luật, giao đất trái thẩm quyền trước ngày 01/7/2014 chưa có giải pháp giải quyết cho người dân.

Tại đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc hiện có hơn 80 dự án bất động sản. Ảnh: Lê Phước Bình

… và cả việc triển khai các dự án bất động sản

UBND thị xã Điện Bàn cho biết, hiện nay, các dự án đầu tư bằng nguồn vốn khác trên địa bàn thị xã chủ yếu là các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, du lịch, thương mại - dịch vụ.

Trong giai đoạn 2016 đến 2021 có 130 dự án, trong đó có 83 dự án trong Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, 20 dự án ngoài đô thị và 27 dự án ven biển.

Việc triển khai đầu tư của các dự án bị chậm do nhiều nguyên nhân, nhưng phần lớn là do chính sách về giải phóng mặt bằng, quản lý đất đai, đầu tư còn chồng chéo.

Nhiều dự án thuộc khu đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc, khu vực ven biển Điện Ngọc - Điện Dương triển khai chậm kéo dài nhiều năm làm nảy sinh những bức xúc trong nhân dân về đất đai, nhà ở, đơn thư khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, gây khó khăn trong công tác quản lý.

UBND thị xã Điện Bàn cho biết các đồ án quy hoạch dự báo và định hướng sử dụng đất đai, phát triển không gian chưa phù hợp với quy hoạch kế hoạch sử dụng đất và thực tiễn phát triển nên trong quá trình triển khai thực hiện phải điều chỉnh quy hoạch nhiều lần.

Việc lập và quản lý quy hoạch mới chỉ chú trọng vào các khu đô thị mới, các dự án kinh doanh hạ tầng và chủ yếu do các doanh nghiệp thực hiện.

Về hạ tầng điện và cấp nước cơ bản hiện nay đáp ứng được nhu cầu tại các khu dân cư, khu đô thị. Tuy nhiên, riêng hệ thống thoát nước mặt và thoát nước thải vẫn chưa đảm bảo. Cụ thể là các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thuộc giai đoạn 1 và giai đoạn 2 tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc vẫn đang dùng chung hệ thống.

Hiện nay, các công trình đầu mối về xử lý nước thải vẫn chưa được triển khai đầu tư, dẫn đến việc phải tự xử lý cục bộ trong từng dự án mới thải ra môi trường.

Tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp có số lượng công nhân làm việc rất lớn nhưng về quy hoạch phát triển nhà ở xã hội chưa được quan tâm đúng mức, chỉ có một vài dự án thực sự quan tâm về nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp.

Điện Bàn là thị xã nằm ở phía bắc tỉnh Quảng Nam, có diện tích tự nhiên 21.632ha, dân số 240.000 người; có 20 đơn vị hành chính, gồm 13 xã, 07 phường. Đây là địa bàn có tiềm năng phát triển kinh tế, có vị trí địa lý - kinh tế đặc biệt quan trọng của tỉnh Quảng Nam. Đây còn là vùng giao thoa giữa thành phố Đà Nẵng và thành phố Hội An, hai trung tâm đô thị lớn, nhiều tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội.

Lê Phước Bình
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.