Thị trường văn phòng cho thuê rơi vào tình trạng khách thuê lần lượt ra đi. Ảnh: Khánh Nguyên |
Cách đây 3 năm, một doanh nghiệp đã phá căn nhà cũ diện tích hơn 100m2 mặt một tuyến phố mới mở để đầu tư xây dựng tòa nhà 7 tầng, dành một phần cho thuê làm văn phòng. Tòa nhà có cả hầm để xe, thang máy, hệ thống điều hòa nhiệt độ tổng… với tổng số tiền đầu tư hơn chục tỷ đồng. Quả thật, nếu ở thời điểm cách đây 3-4 năm, quyết định đầu tư xây dựng văn phòng cho thuê là chính xác vì số DN thành lập mới tăng rất nhanh, trong khi nhu cầu mở rộng văn phòng của các DN cũ cũng lớn. Bản thân công ty này đã nhiều năm phải đi thuê văn phòng. Nhưng, dự án văn phòng cho thuê không "thuận buồm xuôi gió". Khi tòa nhà hoàn thành cũng là lúc kinh tế khủng hoảng, DN, nhất là DN vừa và nhỏ điêu đứng, phá sản; thị trường bất động sản (BĐS) "đóng băng" nên văn phòng cũng chỉ cho thuê được 6 tháng thì DN trả lại, với lý do tiết kiệm, giảm chi phí. Từ đó đến nay, văn phòng ở trong tình trạng bỏ không.
Đây không phải là trường hợp cá biệt. Không khó để gặp những tòa nhà văn phòng trống, với băng rôn quảng cáo "văn phòng cho thuê" treo trước cửa ở bất kỳ một tuyến phố nào đó trong nội thành. Thậm chí, cả những tòa nhà văn phòng lớn hoạt động hàng chục năm nay cũng rơi vào tình trạng khách thuê lần lượt "ra đi" mà không hẹn ngày trở lại. Lãnh đạo một DN có tòa nhà văn phòng cho thuê than thở, chúng tôi đã phải kêu gọi cán bộ, nhân viên tiếp thị và sẵn sàng thưởng tỷ lệ phần trăm cao nếu tìm được khách thuê. Theo báo cáo thị trường của các công ty tư vấn, quản lý BĐS, thời gian qua giá văn phòng cho thuê giảm mạnh, bình quân 7% ở tất cả các hạng. Trong đó, văn phòng hạng C giảm cả công suất thuê và giá thuê.
Đánh giá về thị trường, Bộ Xây dựng cho biết, nhiều DN BĐS gặp khó khăn. Các phân khúc của thị trường đều giảm mạnh về số lượng giao dịch và giá cả. Trong khi đó, số lượng DN BĐS đăng ký thành lập mới giảm mạnh và số lượng DN giải thể, ngừng hoạt động tăng cao trong những tháng đầu năm. Tổng hợp của Bộ Xây dựng cho thấy, DN thành lập mới trong ngành xây dựng giảm 23% và trong ngành BĐS giảm 55% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó số DN ngừng hoạt động hoặc giải thể trong ngành xây dựng và BĐS tăng 16%. Từ tháng 6-2012, mặc dù tình hình kinh tế vĩ mô đã ổn định hơn, lạm phát có dấu hiệu được kiềm chế, lãi suất huy động, cho vay đã giảm đáng kể so với thời điểm cuối năm 2011, nhưng các DN nói chung, DN xây dựng nói riêng vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Hơn 70% DN đang vay vốn với lãi suất cao hơn 17%/năm. DN thiếu vốn nghiêm trọng cho sản xuất và đầu tư nhưng không đủ điều kiện để có thể tiếp cận tín dụng hoặc không dám vay bởi lãi suất cao.
Báo cáo của các công ty tư vấn, quản lý BĐS đều có chung nhận định, kinh tế suy thoái kéo dài là trở ngại cho sự phục hồi của các DN, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cầu thị trường văn phòng. Điều đó có nghĩa là phân khúc thị trường văn phòng cho thuê phụ thuộc vào sự phục hồi của DN. Nhưng bao giờ DN phục hồi, phát triển vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.