Bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi, Tổng giám đốc Eurowindow Holding, cho rằng không phải ngẫu nhiên Thủ tướng có chỉ đạo lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại, nhất là trong bối cảnh tình trạng dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến bất động sản nghỉ dưỡng.
“Từ góc độ doanh nghiệp tham gia thị trường, Eurowindow Holding kiến nghị Thủ tướng có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản nghỉ dưỡng như giảm thuế, giảm lãi suất vay và có các chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điểm đến an toàn”, bà Chi phát biểu.
Về bất động sản nói chung, theo bà Chi, những kế hoạch tính đến thời điểm hiện tại rất khó để có thể thực hiện bởi những đợt mở bán của Eurowindow Holding vừa qua không có nhiều khách hàng đến xem. Cùng với đó, nguồn cung bất động sản, giao dịch bất động sản trong năm nay có thể đi xuống do vướng mắc các thủ tục pháp lý.
“Tôi cho rằng, một trong những chính sách chính là giải tỏa về vốn cho doanh nghiệp bất động sản. Ngoài ra, chúng tôi rất quan tâm đến Nghị định 20. Mong rằng, VnREA sẽ tiếp tục có những kiến nghị để sửa đổi các quy định này”, bà Chi kiến nghị.
Ảnh minh hoạ
Đại diện Eurowindow Holding cho rằng, việc nâng trần lãi vay từ 20-35% chỉ giải quyết được một phần của vấn đề. Bởi xét về bản chất, Khoản 3 Điều 8 đã trái với luật thì phải bỏ, chứ không phải doanh nghiệp kêu thấp nên cần tăng lên.
Theo bà Chi, những vướng mắc trong nghị định này cũng cần sớm được giải quyết, tránh việc lách thuế, chuyển từ nơi có lãi suất thấp sang thuế suất cao.
Để thị trường bất động sản vượt qua giai đoạn khó khăn, phát triển bền vững, bà Chi kiến nghị Nhà nước cần có những chính sách quyết liệt hơn ở thời điểm hiện nay. Một trong số đó là chính sách về nguồn vốn.
“Hiện tại, ngân hàng vẫn đang siết chặt vốn vào bất động sản. Nếu như Chính phủ có động thái khuyến khích các ngân hàng giảm lãi suất cho các doanh nghiệp, cũng là một giải pháp rất tốt cho thị trường bất động sản hiện nay”, đại diện Eurowindow Holding nhấn mạnh.
Cũng theo doanh nghiệp này, những nút thắt về pháp lý cần được tháo gỡ một cách kịp thời, tránh trường hợp khi doanh nghiệp đã “thấm đòn”, luật pháp mới sửa đổi thì niềm tin trên thị trường khi đó cũng đã đổ vỡ.
Chia sẻ tại hội nghị, đại diện Tập đoàn CEO cho hay, đơn vị này cũng gặp những vướng mắc như các doanh nghiệp khác, đặc biệt là vướng mắc về Nghị định 20. Các quy định tại nghị định này đang làm khó doanh nghiệp trong nước bởi tỷ lệ lãi vay cao và đối tượng doanh nghiệp trong nước bị vạ lây, phải nộp thêm thuế.
“Chúng ta đã đi được một bước kiến nghị là tăng tỷ lệ khống chế lãi vay lên. Tuy nhiên, điều này lại không áp dụng cho kỳ tính thuế 2017, 2018 mà chỉ tính năm 2019 nên thực sự các doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa được tháo gỡ, nhất là khi tiền thuế năm 2017, 2018 của doanh nghiệp rất lớn, bị đội lên nhiều lần, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp”, đại diện CEO Group cho biết.
Tham gia phát triển bốn tòa nhà ở xã hội, ông Bùi Viết Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long, cho biết phân khúc nhà ở xã hội còn nhiều gặp khó khăn vì chủ đầu tư và khách hàng đều không được vay.
Ông Sơn kiến nghị Chính phủ nên có ý kiến để các ngân hàng thương mại có cơ chế hỗ trợ lãi suất. Lúc đó, doanh nghiệp sẽ tự tìm đến ngân hàng vay vốn để tiếp tục phát triển các dự án phục vụ những người nghèo.
Lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho rằng thị trường bất động sản có rất nhiều vấn đề cần tháo gỡ.
“Do đó, tôi đề nghị các doanh nghiệp cần phải kiến nghị rõ, điều nào, khoản nào trong các quy định đang gây khó khăn cho thị trường thì Bộ Xây dựng mới có thể căn cứ để tập hợp và nêu ý kiến. Hiện nay, Luật Đầu tư đang được sửa, nếu những vấn đề doanh nghiệp nêu ý kiến về khó khăn trong chấp thuận đầu tư có thể sửa đổi thì sẽ thông thoáng cho thị trường”, ông Ninh nói.
Về nhà ở xã hội, đại diện Bộ Xây dựng thừa nhận việc cấp vốn, chính sách hỗ trợ vốn cho phân khúc này còn nhiều khó khăn nên cần phải đưa thêm nhiều kiến nghị lên Chính phủ.
“Trong ngày hôm nay, chúng tôi sẽ tiếp thu các ý kiến của doanh nghiệp đã nêu và sẽ chắp bút ghi nhận để tập hợp và báo cáo lên lãnh đạo bộ”, ông Ninh cho biết.
-
Thủ tục hành chính như ma trận bủa vây doanh nghiệp
CafeLand - Tại hội nghị lắng nghe những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp nhằm kịp thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3- 2020 do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VnREA) tổ chức sáng 18-2, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP.Invest, ví von thủ tục hành chính như ma trận bủa vây doanh nghiệp.