Bán hàng khó khăn
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), lượng bán hàng thép thành phẩm nội địa trong tháng 1.2023 giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống khoảng 1,8 triệu tấn.
Trong giai đoạn này, bán hàng tôn mạ kim loại và sơn phủ màu ghi nhận giảm mạnh nhất 42% xuống gần 251.000 tấn. Mặt hàng thép cuộn cán nguội cũng ghi nhận mức giảm tương đương xuống còn 107.000 tấn.
Tương tự, bán hàng thép xây dựng cũng giảm 20% xuống 844.000 tấn. Riêng mặt hàng ống thép gần như không thay đổi, chỉ giảm khoảng 1% ở mức 199.500 tấn.
Trên thực tế, do cả hai kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán đều nằm trong tháng 1 khiến cho nhu cầu thị trường vật liệu xây dựng nói chung và sắt thép nói riêng đều ảm đạm.
Thị trường thép xây dựng ảm đạm trong thời "bão giá"
Ở mảng xuất khẩu, lượng bán hàng trong tháng 1 vừa qua của cả nước chỉ ở mức 672.100 tấn, với kim ngạch gần 457 triệu USD. So với tháng 12.2022, xuất khẩu trong tháng 1 đã giảm 18,3% về lượng và 21,8% về giá trị. Còn so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu sắt thép ghi nhận sụt giảm 14,8% về lượng nhưng giảm mạnh tới 47,6% về kim ngạch.
Theo VSA, đã có sự phân hóa trong xuất khẩu ở từng loại thép thành phẩm. Cụ thể, lượng xuất khẩu ống thép và cuộn cán nóng tăng mạnh, cao gấp 3 và 5 lần so với cùng kỳ lên lần lượt 160.000 tấn và 104.000 tấn.
Trong khi đó, xuất khẩu thép xây dựng lại giảm mạnh 36,4% xuống 147.500 tấn. Các mặt hàng tôn mạ kim loại và sơn phủ màu ghi nhận lượng xuất khẩu giảm sâu nhất tới 72,4% xuống còn 65.000 tấn.
Với vị thế là “anh cả” ngành thép, Tập đoàn Hòa Phát cũng ghi nhận sự thụt lùi ở cả sản xuất lẫn tiêu thụ trong giai đoạn này. Tháng 1.2023 vừa qua, Hòa Phát đã sản xuất 392.000 tấn thép thô và bán ra 402.000 tấn thép các loại, giảm 36% so với cùng kỳ năm trước.
Theo cơ cấu, thép xây dựng và thép cuộn cán nóng đóng góp 304.000 tấn, giảm 20% so với tháng 1.2022. Cụ thể, thép HRC đạt 86.000 tấn, đây là mức bán hàng thấp nhất kể từ năm 2021 đến nay và cũng là lần đầu sản lượng thép HRC quay xuống dưới mốc 100.000 tấn/tháng.
VSA cho rằng, ngành thép hiện nay đang chứng kiến sự khó khăn do sụt giảm mạnh từ phía nhu cầu, khiến tiêu thụ của các doanh nghiệp chậm, lượng tồn kho tăng. Cùng với đó, chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, cộng thêm biến động tăng lãi suất vốn vay và chênh lệch tỷ giá đã ảnh khiến hầu hết các doanh nghiệp rơi vào tình cảnh thua lỗ.
Tuy vậy, các doanh nghiệp thép đang kỳ vọng vào “trợ lực” từ việc đẩy nhanh giải ngân đầu tư công trong năm nay.
Thép trở lại đường đua tăng giá
Từ đầu năm 2023 tới nay, thị trường thép xây dựng đã tăng 4 lần liên tiếp với biên độ tăng hơn 1 triệu đồng/tấn. Đợt tăng gần đây nhất là ngày 7.2 với mức tăng 200.000 - 410.000 đồng/tấn (tùy từng sản phẩm và thương hiệu) so với ngày 31.1.
Từ đầu năm 2023 tới nay, thị trường thép xây dựng đã tăng 4 lần liên tiếp với biên độ tăng hơn 1 triệu đồng/tấn
Trong lần điều chỉnh này, thương hiệu Thép Hòa Phát tại miền Bắc thông báo tăng 310.000 đồng/tấn đối với cả thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Mức giá của 2 sản phẩm này hiện lần lượt là 15,76 triệu đồng/tấn và 15,84 triệu đồng/tấn.
Tại thị trường miền Trung, mặt hàng thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 cũng được điều chỉnh tăng 310.000 đồng/tấn, lên mức 15,68 triệu đồng/tấn và 15,73 triệu đồng/tấn. Còn tại miền Nam, Hòa Phát tăng 410.000 đồng/tấn với cả thép cuộn và thép thanh vằn. Sau điều chỉnh, giá bán mới nhất của 2 loại thép này lần lượt là 15,83 triệu đồng/tấn và 15,88 triệu đồng/tấn.
Tương tự, Thép Việt Ý cũng có điều chỉnh tăng 310.000 đồng/tấn đối với cả thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Hiện mức giá của 2 sản phẩm này trong ngày 16.2 lần lượt ở mức 15,71 triệu đồng/tấn và 15,81 triệu đồng/tấn.
Trong khi đó, Thép Việt Đức, Kyoei, Pomina, Tisco có thông báo điều chỉnh tăng 300.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và tăng 310.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300.
Như vậy, sau 4 lần điều chỉnh tăng liên tiếp kể từ đầu năm nay, giá thép xây dựng trong nước hiện đang giao động ở mức 15 - 16 triệu tấn. Sau khi các hãng sản xuất thép đồng loạt điều chỉnh giá bán, các đại lý cũng điều chỉnh tăng theo, đẩy giá bán lẻ thép xây dựng tăng mạnh lên hơn 17 triệu đồng/tấn.
Theo VSA, giá thép trong nước liên tục tăng chủ yếu do giá nhập các loại nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép như than, quặng sắt, thép phế, cuộn cán nóng... chưa có dấu hiệu dừng đà tăng.
Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) dự báo, trong quý 1, giá thép có thể phục hồi 2-3% so với cùng kỳ do tính mùa vụ và giá thép thế giới phục hồi khi Trung Quốc mở cửa.
Sang quý 2 và 3.2023, diễn biến giá thép sẽ phụ thuộc vào mức độ phục hồi từ nhu cầu thép. Với quan điểm tốc độ hồi phục về nhu cầu vẫn chậm trong năm 2023, nguồn cung thép có thể tăng trở lại khi Trung Quốc mở cửa, BSC cho rằng giá thép có thể sẽ điều chỉnh giảm trở lại.
-
Thấy gì từ con số tồn kho 66.000 tỉ đồng của các doanh nghiệp ngành thép?
Sau nhiều lần giảm giá bán, cắt giảm sản xuất, tổng lượng tồn kho của các doanh nghiệp thép tại thời điểm cuối năm 2022 ước tính giảm 20.000 tỉ đồng so với quý 3, xuống còn khoảng 66.000 tỉ đồng, thấp nhất trong vòng bảy quý trở lại đây.
-
“Bí kíp” luyện thép NHANH - NHIỀU - RẺ khiến thế giới ngỡ ngàng mà Trung Quốc vừa tìm ra có gì đặc biệt?
Chỉ mất hơn 10 năm, Trung Quốc đã tạo ra công nghệ sản xuất thép không chỉ nhanh hơn mà còn rẻ hơn so với cách làm truyền thống.
-
“Pháp sư” Trung Hoa lại khiến cả thế giới sửng sốt: Chỉ mất 6 giây để hoàn thành quy trình sản xuất thép, nhanh gấp 3.600 lần so với lò cao truyền thống
Công nghệ sản xuất thép này có thể hoàn thành quy trình sản xuất trong vòng chỉ 3-6 giây, nhanh hơn nhiều so với thời gian 6 giờ của các lò cao truyền thống. Đây hứa hẹn sẽ cách mạng hóa ngành công nghiệp thép toàn cầu....
-
Diễn biến đáng chú ý trên thị trường THÉP CHẤT LƯỢNG CAO, loại vật liệu nhiều ngành công nghiệp đều cần
Thép cuộn cán nóng chất lượng cao (HRC) đang phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nhập khẩu. Nếu tự chủ được, các ngành như đóng tàu, cơ khí chính xác, sản xuất ô tô, container... sẽ bớt phụ thuộc chuỗi cung ứng HRC ngoại....