Giảm giá bán, cắt giảm sản xuất để xử lý hàng tồn kho
Mùa báo cáo quý 4.2022 đã đi đến hồi kết, bức tranh tài chính của ngành thép gần như đã lộ diện toàn bộ. Đáng chú ý con số tồn kho hàng chục nghìn tỉ đồng vẫn được nhắc đến trong các báo cáo tài chính của doanh nghiệp.
Trước áp lực nhu cầu thấp, các doanh nghiệp thép liên tục giảm giá bán để giả quyết hàng tồn kho
Theo thống kê, tổng lượng tồn kho của các doanh nghiệp thép tại thời điểm 31.12 ước tính giảm 20.000 tỉ đồng so với cuối quý 3 trước đó, xuống còn khoảng 66.000 tỉ đồng, thấp nhất trong vòng bảy quý trở lại đây. Như vậy, sau một quý 2 gia tăng tích trữ đột biến, các doanh nghiệp thép đã mạnh tay xả kho trong 2 quý cuối năm với mức giảm 45.000 tỉ đồng.
Năm 2022, trước những khó khăn chung của thị trường khi giá nguyên liệu sản xuất thép tăng cao cùng với nhu cầu sụt giảm đã khiến lượng sản xuất thép các loại giảm liên tục kể từ đầu quý 2.2022 cho đến nay.
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong năm 2022, Việt Nam tiêu thụ khoảng 18,7 triệu tấn thép thô, giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến cuối năm 2022, hàng tồn kho thép các loại đã giảm còn 990.000 tấn, giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tồn kho thép xây dựng giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái, tôn mạ giảm 16%, thép HRC/CRC giảm 46%.
Trong báo cáo mới đây, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho rằng hàng tồn kho giá cao phần lớn đã được thanh lý hết vào trong sáu tháng cuối năm 2022. Theo thông lệ, các doanh nghiệp thép thường duy trì lượng nguyên vật liệu đủ cho ba tháng bán hàng, và đã liên tục cắt giảm công suất từ tháng 7, thậm chí, đóng lò như Hoà Phát và Pomina.
Bên cạnh đó, lượng hàng tồn kho quá cao ở những quý trước đó buộc các nhà máy thép phải hạ giá bán nhằm kích cầu, khiến giá thép giảm mạnh, mức độ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cũng trở nên gay gắt hơn.
Tồn kho của các “ông lớn” đang ở mức nào?
Tính đến cuối tháng 12.2022, lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp thép đã giảm đáng kể. Trong đó, “anh cả” của ngành là Hòa Phát ghi nhận tồn kho còn khoảng 35.727 tỉ đồng, giảm 16% so với hồi đầu năm. Đây là mức thấp nhất trong hai năm trở lại đây của doanh nghiệp này.
Tồn kho toàn ngành thép tại thời điểm cuối năm 2022 ước tính còn 66.000 tỉ đồng, mức thấp nhất trong vòng bảy quý trở lại đây
Trước đó, trong bối cảnh sức tiêu thụ chậm, Hoà Phát cũng chủ động giảm công suất thông qua việc đóng cửa 4/7 lò cao, bất chấp việc tập đoàn này sẽ phải chi khoản tiền lớn khoảng 40 tỉ đồng/lò cho việc tái khởi động khi thị trường ổn định trở lại.
Nhờ đó, vòng quay hàng tồn kho trong quý 4.2022 của Hòa Phát cũng được rút ngắn xuống 122 ngày, so với mức 126 ngày hồi quý 3; nguyên vật liệu còn 61 ngày, thành phần và chi phí sản xuất kinh doanh dở dang còn 55 ngày.
Không chỉ riêng Hòa Phát, tồn kho của hầu hết các doanh nghiệp thép đều đã giảm mạnh. Trong đó, Hoa Sen hay Pomina đều ghi nhận lượng tồn kho giảm đến hàng nghìn tỉ sau quý vừa qua. Nếu so với con số kỷ lục cuối quý 2.2022, phần lớn các doanh nghiệp thép hàng đầu đã giảm khoảng 40-70% giá trị tồn kho, ngoại trừ Nam Kim và Thép Tiến Lên vẫn duy trì ở mức cao.
Hồi cuối tháng 9.2022, Pomina đã chủ động dừng sản xuất lò cao khi hoạt động tiêu thụ khó khăn và giảm bớt áp lực hàng tồn kho. Theo đó, lượng hàng tồn kho của Pomina đã giảm tới 74% so với đầu năm xuống còn 1.235 tỉ đồng.
Tương tự, tồn kho của Hoa Sen tại thời điểm cuối năm 2022 đang ở mức 6.632 tỉ đồng, giảm 18% so với thời điểm đầu năm.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp thép nào cũng ghi nhận hàng tồn kho giảm. Điển hình như trường hợp của Thép Tiến Lên khi hàng tồn kho tính đến cuối tháng 12.2022 tăng 5% lên 3.036 tỉ đồng. Hay với trường hợp của Gang Thép Thái Nguyên khi hàng tồn kho ghi nhận tăng 22% lên 1.766 tỉ đồng.
Động thái giảm mạnh tích trữ tồn kho của một loạt doanh nghiệp thép trong hai quý liên tiếp phần nào phản ánh tình hình “thê thảm” của ngành thép trong năm qua. Áp lực từ lượng tồn kho lớn, giá cao của các quý trước là yếu tố chính đẩy hàng loạt doanh nghiệp thép vào tình trạng kinh doanh dưới giá vốn dẫn đến thua lỗ kỷ lục.
-
Loạt công ty thép báo lỗ nghìn tỉ
Nắm phần lớn thị phần ngành thép, những cái tên lớn như Hoà Phát, Hoa Sen hay Nam Kim thua lỗ kỷ lục đã vẽ lên bức tranh xám màu của toàn ngành trong năm qua.
-
Sau tuyên bố “NHƯỜNG SÂN” của ông chủ Hòa Phát, thị phần ngành thép 2024 đang được phân chia ra sao?
Mặc dù đang dẫn đầu thị phần thép xây dựng và ống thép nhưng Chủ tịch Trần Đình Long cho biết thời gian tới, Hòa Phát sẽ tập trung phát triển các loại thép chất lượng cao, nhường sân chơi cho những doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng cơ bản....
-
Là đầu vào quan trọng của nền kinh tế, chiếm 15-20% chi phí xây dựng, giá mặt hàng này sẽ tiếp tục tăng trong năm 2025
Trong năm 2025, MBS kỳ vọng giá thép xây dựng có thể tăng 7% lên 590 USD/tấn.
-
Triển vọng của ngành thép trong năm 2025: Chờ đợi cú hích từ đầu tư công
Năm 2025 được dự đoán là giai đoạn đầy triển vọng cho ngành thép nội địa Việt Nam. Với sự phục hồi kinh tế, nhu cầu đầu tư hạ tầng gia tăng và các chính sách hỗ trợ từ chính phủ, ngành thép đang đứng trước cơ hội bứt phá mạnh mẽ....