Theo nhận định của các chuyên gia bất động sản (BĐS), việc các nhà đầu tư đang “ngưng” đổ vốn vào thị trường BĐS TPHCM cũng một phần do đang bị vướng phải những nút thắt khó gỡ.
Ế ẩm, thiếu sôi động
Ông Trần Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty BĐS Vinaland, cho rằng: “Trước khi có quy định nhà đầu tư phải nộp thuế thu nhập từ kinh doanh BĐS, thị trường BĐS dù không được sôi động nhưng vẫn có giao dịch. Nhưng từ sau khi có quy định này, thị trường đã chững lại rõ. Trong bối cảnh đầu tư BĐS khó khăn như hiện nay, việc phải nộp thuế thu nhập là lo ngại của không ít nhà đầu tư ”. Hai vấn đề đặc biệt quan trọng nữa ảnh hưởng đến thị trường là nguồn vốn và tính thanh khoản.
“Thị trường BĐS ở TPHCM hiện nay chủ yếu dành cho người có nhu cầu nhà ở là chính, còn với nhà đầu tư dường như họ vẫn đứng ngoài cuộc. Nếu một thị trường không có sự hiện diện của các nhà đầu tư mua đi bán lại thì sẽ rất khó sôi động”- một chuyên gia BĐS nhận xét. Bên cạnh đó, tình trạng ế ẩm của thị trường BĐS TPHCM một phần còn do nhiều doanh nghiệp (DN) địa ốc đánh mất chữ tín đối với khách hàng, đặc biệt là nhà đầu tư. Thời gian qua, hàng loạt dự án đã bị khách hàng khởi kiện vì nhiều lý do khác nhau, trong đó lý do chính vẫn là việc DN thu tiền nhưng không triển khai dự án. Những vụ việc không hay như trên vỡ lở đã làm cho nhiều dự án BĐS bị “vạ lây”.
Tìm “sóng” ở ngoài tỉnh
Trong số các địa chỉ được nhắc đến khá nhiều trong thời gian qua chính là Bình Dương, Đồng Nai. Điển hình như khu phố thương mại Gold Town (Bình Dương), với 112 căn nhà phố, giá bán 5 tỉ - 8 tỉ đồng/căn nhưng sau khi được giới thiệu từ cuối tháng 5 đến nay đã được khách hàng đặt tiền cọc giữ chỗ mua hết. Một dự án khác là khu căn hộ cao cấp IJC Aroma với 500 căn hộ cao cấp cũng đang được khách hàng săn đón, chủ yếu là các chuyên gia nước ngoài, ngay cả những đại gia tại TPHCM cũng xuống đây xí phần.
Sức “nóng” thật sự của thị trường này đến đâu vẫn chưa có thước đo để xác định, tuy nhiên phần nào nó cũng đang thu hút sự quan tâm không chỉ từ nhà đầu tư mà còn cả các nhà phát triển dự án từ TPHCM. Ông Phùng Văn Năng, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư BĐS Nam Việt, nhận định: “Thị trường BĐS TPHCM vẫn còn nhiều tiềm năng nhưng khi đưa sản phẩm ra thị trường, chủ đầu tư cần có cách làm mới, chuyên nghiệp hơn mới bán được. Bên cạnh đó, các chính sách vĩ mô hay chính sách của từng địa phương cũng tác động không nhỏ đến thị trường. Thị trường BĐS Bình Dương trở nên hấp dẫn không chỉ do việc động thổ dự án TP mới mà còn do lãnh đạo Bình Dương thể hiện rõ quyết tâm xây dựng TP này trở thành TP chuẩn mực, kiểu mẫu”.
Tiến sĩ Tô Văn Nhụ, chuyên gia BĐS, cho rằng tại TPHCM, phân khúc căn hộ cao cấp đang có xu hướng bão hòa vì thế việc sinh lợi nhuận không nhiều như trước. Nhiều nhà đầu tư, khách hàng và DN đang có xu hướng chuyển sang những tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn vì dù sao giá đất ở những nơi này vẫn còn khá rẻ.
Cafeland.vn - (Theo NLĐ)