Tiền từ đâu sinh ra?
Rốt cuộc, con sóng phục hồi từ đầu năm 2012 đã chỉ đưa chỉ số VNI lên sát vùng 470 điểm và chỉ số HNX lên sát vùng 79 điểm - gần tương đương với đỉnh của hai chỉ số này lập vào tháng 9/2011. Nhưng như vậy cũng đã là một thành công lớn đối với TTCK Việt Nam, khi cả hai chỉ số đều có tỷ lệ phục hồi khoảng 40%, đều vượt qua hàng loạt chốt chặn kháng cự và tạo nên xu thế tăng điểm trong hai tháng đầu năm 2012.
Nhưng ấn tượng hơn cả là thanh khoản. Nếu vào nửa cuối năm 2011, giới đầu tư đã hoài công mong đợi mức thanh khoản trên hai sàn đạt đến giá trị ngàn tỷ đồng, thì từ sau Tết Nhâm Thìn, một hiện tượng "kỳ lạ" là thanh khoản đã hoàn toàn dễ dàng vươn lên tới 2.500-3.000 tỷ đồng, vượt xa những giá trị đã lập vào giai đoạn phục hồi các tháng 2-3-4 năm 2009.
Thanh khoản phục hồi rõ rệt cũng cho thấy những hoài nghi còn lại về bulltrap (bẫy phục hồi) trong con sóng vừa qua dường như đã bị xua tan. Điều đáng nói là lần đầu tiên kể từ con sóng tăng bất ngờ vào tháng 12/2010, cho đến giờ người ta mới được chứng kiến sự kiện hoành tráng về dòng tiền của các tổ chức ồ ạt tuôn chảy vào thị trường. Lại một lần nữa, thị trường đã được xác minh về thế năng tăng trưởng của nó: không có dòng tiền đầu cơ, hay còn gọi là dòng tiền nóng, không đời nào thị trường cất cánh nổi.
Quá nhiều ngạc nhiên và cả kinh ngạc về xuất xứ của dòng tiền. Tuy lượng huy động vốn vào hệ thống ngân hàng thương mại trên toàn quốc đã giảm khá mạnh trong hai tháng đầu năm 2012, nhưng điều này chưa đủ để thuyết phục là toàn bộ tiền tiết kiệm rút ra được đổ vào TTCK, nhất là tâm lý người gửi tiền tiết kiệm thường gắn bó với các kênh vàng và bất động sản hơn là kênh đầu tư có độ rủi ro quá cao như chứng khoán.
Mà nếu như vậy, hiển nhiên lượng tiền giảm sút từ hệ thống ngân hàng để phục vụ cho chứng khoán chỉ còn xuất phát từ chính... các ngân hàng. Một con số ước tính gần đây đã cho thấy lượng tiền "đầu tư trái ngành" này là không hề nhỏ: hàng trăm ngàn tỷ đồng.
Trong bối cảnh phần lớn nền kinh tế còn đang điêu đứng trong suy thoái, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất, nông nghiệp và xuất khẩu còn chưa thể tiếp cận với vốn vay của ngân hàng, vòng quay vốn xã hội chưa đến 1 lần..., thì con số trăm ngàn tỷ đồng như trên lại có giá trị bằng phân nửa dư nợ cho vay bất động sản tính đến thời điểm hiện nay. Dĩ nhiên, một tiềm lực kinh khủng như thế hoàn toàn có thể đẩy bật chỉ số chứng khoán cùng mặt bằng giá các cổ phiếu lớn nhỏ "lên một tầm cao mới".
Lịch sử tái hiện nhưng không lặp lại
Tuy nhiên, như những dự cảm đầu năm của chúng tôi, lịch sử có thể tái hiện nhưng không lặp lại. Năm nay, rất nhiều khả năng TTCK cũng được đánh lên rộn ràng như năm phục hồi 2009, nhưng đường đi của thị trường sẽ chẳng dễ dàng như thời kỳ đó.
Nếu nhìn lại sóng phục hồi chứng khoán trong năm 2009, người ta vẫn có thể nhận ra những quy luật nội tại trong vận động của TTCK, thì trong đoạn đường đầu tiên của sóng phục hồi năm 2012, mọi thứ lại diễn ra một cách vừa ngô nghê vừa chệch choạc, gần như không tuân theo một quy luật nào.
Lẽ đương nhiên, tâm trạng các nhà đầu tư nhỏ lẻ trong thời gian qua là không mấy hài lòng. Thị trường dù đã tăng cao nhất được 40% và giá nhiều cổ phiếu cũng vượt hơn 50-60% so với đáy, nhưng phần lớn nhà đầu tư nhỏ lẻ chỉ có thể cầm cự được với mức lời lãi khoảng 20-30%. Sở dĩ có tình trạng tréo ngoe này là do một số nhà đầu tư không chuyên nghiệp đã không chịu nổi cơn đau tim co thắt từ hàng loạt phiên đánh lên và đánh xuống nên đã bắt buộc phải "nhảy sóng", thoát hàng rồi vào lại từng đoạn. Trong khi đó, số nhà đầu tư lướt sóng chuyên nghiệp cũng không khả quan hơn là mấy khi không biết sóng đâu mà lướt.
Trò chơi đầu tiên của nhóm tạo lập thị trường đã kết thúc vào đầu tháng 3/2012, gần sát mốc thời điểm Thủ tướng một lần nữa phải nhắc nhở Ngân hàng nhà nước giảm ngay lãi suất. Lần này, khác với những lần trước, chính thống đốc NHNN cũng thừa nhận sẽ hạ lãi suất. Nhưng cùng lúc, thị trường chững lại và lao dốc ngay sau đó.
Có vẻ như không khí của tháng 9/2011 đang tái hiện. Vào thời gian đó, TTCK đã phản ứng 3 tuần trước quyết định tái áp trần lãi suất huy động 14% của NHNN, giúp hai chỉ số VNI và HNX đều phục hồi được khoảng 20%. Nhưng sau ngày 7/9 khi NHNN chính thức quyết định về mức lãi suất 14%, thị trường lại đảo chiều, mang đến nỗi ê chề cho rất nhiều nhà đầu tư.
Vào tuần trước, trong khi thông tin hạ lãi suất đã có tác dụng ngược với thị trường, thì hình ảnh giá xăng dầu đội cao lại hoàn toàn đồng thuận. Thị trường lại rơi vào cái tình thế oái oăm đến khó tả của năm 2011 với các chiều kích thông tin hết sức khó hiểu và luôn đánh đố nhà đầu tư. Làn sóng mua đuổi giá trần của một bộ phận nhà đầu tư nhỏ lẻ đã mau chóng biến thành cơn bán tháo vô hồi kỳ trận - một động thái trả giá bắt buộc cho điều mà bộ trưởng tài chính Vương Đình Huệ đã ví TTCK Việt Nam mới chỉ học đến lớp 6.
Một trò chơi mới lại bắt đầu. Nhưng trò chơi này có ưu điểm là kế thừa từ trò chơi cũ. Sóng phục hồi trung hạn vẫn còn nguyên ý nghĩa, chỉ là không nguyên giá trị trong ngắn hạn mà thôi. Cú đánh xuống quyết liệt, không kém gì lúc đánh lên, của nhóm tạo lập thị trường đã càng khơi dậy hy vọng về chuyện thị trường này có thể tăng trưởng bất chấp các thông tin tốt xấu đan xen trong thời gian tới.
Trong hoàn cảnh mốc 420 điểm đang chờ đợi VNI, HNX tất nhiên vẫn phải chịu số phận cám cảnh như một nạn nhân của thời cuộc chao đảo. Chỉ số này đang có xu hướng lao về vùng 65-67 điểm một cách ngon lành, bất chấp khuyến nghị của các công ty chứng khoán hay thậm chí của cả Ủy ban Chứng khoán nhà nước. Có lẽ chỉ đến khi nào tiếng kêu than và cả những giọt nước mắt lại nổi lên rộn rã trong giới đầu tư nhỏ lẻ - những người vừa khoe khoang thành tích sử dụng quá tay đòn bẩy tài chính để mong làm giàu nhanh chóng, thị trường mới "bỗng dưng" bừng tỉnh trở lại.
Tất cả những hình ảnh bi tráng như thế có thể sẽ được quyết định chỉ trong tuần này hoặc tuần tới.