Khi chính sách tiền tệ thắt chặt, dòng tiền bị hạn chế tối đa đổ vào khu vực phi sản xuất, thì TTCK chính là lĩnh vực bị tổn thương nhiều nhất và rõ nhất.

Chính sách tiền tệ ngày càng thắt chặt, chủ trương ngăn dòng tiền đổ vào khu vực phi sản xuất đang được cụ thể hóa rất rõ. Cộng với các rủi ro vĩ mô vẫn tiềm ẩn, thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK VN) chưa thể tìm thấy lực đỡ trong ngắn hạn...

Ông Nguyễn Đức Hải – Trưởng phòng phân tích Công ty Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) – nhận định với PV xung quanh nội dung này.

Nguy cơ...

Theo ông Hải, vốn không chỉ là câu chuyện của riêng thị trường chứng khoán, mà là của cả nền kinh tế. Tuy nhiên, khi chính sách tiền tệ thắt chặt, dòng tiền bị hạn chế tối đa đổ vào khu vực phi sản xuất, thì TTCK chính là lĩnh vực bị tổn thương nhiều nhất và rõ nhất.

Phản ứng của thị trường sau hàng loạt chính sách thắt chặt tiền tệ, ngăn tiền vào khu vực phi sản xuất, VN – Index đã rời xa mốc 500 điểm, và giảm sâu trong suốt thời gian dài. Giao dịch ảm đạm, thanh khoản thấp, khối ngoại cũng không còn kỳ vọng nhiều, trong khi nhà đầu tư nội thì “án binh bất động”...

Khả năng lấy lại mốc điểm “niềm tin” – 500 điểm của VN – Index là rất khó, còn bứt phá thì gần như là câu chuyện của tương lai... Thị trường hiu hắt, nhiều công ty chứng khoán cũng đã và đang tính toán lại khả năng bám trụ của mình.

Ông Nguyễn Đức Hải chỉ rõ, những yếu tố có thể làm “lực đỡ” cho thị trường như là chính sách kích cầu, hay dòng vốn ngoại ồ ạt, hiện nay đều chưa có khả năng xuất hiện trở lại.

Nhà đầu tư ngoại có mua vào cũng chỉ cầm chừng, nhỏ giọt, và hạn chế ở một số cổ phiếu chiến lược. Thời nhà đầu tư nội vay ngân hàng để đầu tư chứng khoán cũng không còn, vì với mức lãi suất cao như hiện nay, gần như không có cổ phiếu nào “bù lỗ” được! Đó là chưa tính tới tâm lý chung của các nhà đầu tư là đang tìm cách “thoái lui” khỏi thị trường, bảo toàn vốn.

Mặt khác, nguồn cung cổ phiếu cũng vượt xa cầu do nhiều doanh nghiệp “khát vốn”, đã phát hành mới hơn 1,3 tỷ CP trong quý 1/2011. Nhân tố này càng khiến thị trường giảm điểm sâu và rất khó tìm lực đỡ trong ngắn hạn!

Và kỳ vọng...

Từ những phân tích trên, ông Hải nhận định, việc một số công ty chứng khoán có thể rút khỏi thị trường, chuyển đổi mục đích hoạt động cũng là điều dễ hiểu. Còn đối với những công ty có thị phần lớn và ổn định, đây chính là thời điểm thử thách để họ tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, củng cố lòng tin cho nhà đầu tư.

“Tôi nghĩ các công ty nên bình tĩnh, cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này, cũng như tất cả các doanh nghiệp trong các lĩnh vực kinh tế khác, đều phải quyết tâm vượt khó để vực lại nền kinh tế, thì mới lấy lại được đà tăng trưởng...” Ông Hải chia sẻ.

Trong ngắn hạn, nguy cơ giảm sâu của thị trường vẫn còn. Trong trung và dài hạn, ít nhất là đến quý 3, thị trường sẽ vẫn chưa có lực đỡ... Đó là những tín hiệu xấu mà nhà đầu tư cần phải chuẩn bị tâm lý để đón nhận.

Tuy nhiên, nếu lạm phát được “kìm cương”, niềm tin vào tiền đồng được củng cố, kinh tế vĩ mô khởi sắc, thì sự sôi động trở lại của TTCK VN cũng là điều tất yếu. Bởi hiểu theo cách nào, TTCK vẫn là một kênh huy động vốn cần thiết và hiệu quả, nên khi kinh tế có dấu hiệu tăng trưởng tốt trở lại, thì CK sẽ vẫn là lựa chọn đầu tư số 1 của nhiều người!

“Vấn đề là nhà đầu tư chiến lược cần bình tĩnh để có những nhận định đúng đắn, kiên trì và sáng suốt để không đánh mất cơ hội khi thị trường sôi động trở lại!” – Ông Hải khẳng định!

Cafeland.vn - Theo Tầm Nhìn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland