là những khó khăn thường xuyên đối với các nhà đầu tư, kinh doanh bất động sản
Nhiều DN đã chỉ ra hàng loạt bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật mới nhất về bất động sản cũng như những hạn chế trong quản lý và áp dụng pháp luật. Không ít các văn bản hướng dẫn tưởng chừng khá chi tiết và dễ áp dụng vẫn không được thị trường chấp nhận hoặc tuân thủ triệt để.
Khâu nào cũng ... bôi trơn ?
Ông Nguyễn Văn Minh – Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh bất động sản đã đưa ra một danh sách các bất cập trong hoạt động kinh doanh bất động sản. Theo quy định, để thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đất, DN phải thầm định giá đất. Việc thẩm định giá đất phải giao cho một cơ quan độc lập tiến hành. Thực tế, cho dù các cơ quan độc lập này có áp dụng đầy đủ các tiêu chí về thẩm định thì cũng không được các cơ quan cấp phép, cơ quan thuế chấp nhận. Không chỉ có vậy, thời gian của khâu nào trong hoạt động cấp phép cũng bị kéo dài. DN chẳng còn cách nào khác ngoài việc mất phí bôi trơn hoặc chậm tiến độ.
Ông Minh cũng chỉ ra, chung cư mini đã xuất hiện ở các đô thị từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, tất cả các địa phương đều chưa có một quy hoạch, quy chuẩn nào cụ thể cho loại hình này. Theo ông Minh, chung cư mini thuộc quyền sở hữu của tư nhân. Trong khi đó, nhà ở tư nhân chỉ được phép xây tối đa 5 tầng. Nhưng chung cư mini 9 – 11 tầng vẫn mọc lên như nấm. Không hiểu hoạt động xin phép và cấp phép xây dựng loại hình này diễn ra thế nào ?
Đặc biệt, ông Minh băn khoăn việc đấu thầu các khu đất vàng. Không hiểu những quy định về đấu thầu được tiến hành đầy đủ và nghiêm túc đến đâu ? Nhưng các khu đất vàng cứ rơi vào tay các đại gia, “có sao, có vạch”. Thất thoát về mặt giá trị đất giữa đấu thầu và giá thị trường không hề nhỏ.
Bất hợp lý... hiển nhiên
Không chỉ phí bôi trơn, nhiều hoạt động bất hợp lý vẫn diễn ra khá tự do đến ngỡ ngàng. Theo thống kê của Hiệp hội Kinh doanh bất động sản, hiện có khoảng 1.000 sàn giao dịch bất động sản cùng khoảng 10.000 nhà môi giới. Tuy nhiên, phí môi giới là bao nhiêu ? thu theo hình thức nào ?... vẫn chưa có một văn bản hướng dẫn. Nhiều khu nhà, thậm chí khu đô thị đã được xây dựng đưa vào sử dụng hoặc bỏ hoang cả chục năm vẫn chưa bàn giao cho chính quyền địa phương. Ví dụ khu chung cư Thanh Xuân bắc, quận Thanh Xuân đưa vào sử dụng tới 30 năm vẫn chưa bàn giao cho chính quyền địa phương.
Ngoài ra, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồ sộ nhưng chồng chéo và khó áp dụng cũng đang gây bức xúc cho DN. Theo bà Nguyễn Thị Mai – GĐ Cty CP bán đấu giá Á Châu, cùng với các thông tư của các bộ, văn bản hướng dẫn của các tỉnh thành đang tạo nên một hệ thống văn bản lộn xộn, trùng lắp và mâu thuẫn. Các quy định về xây dựng, lưu trữ, công bố hệ thống cơ sở dữ liệu về thị trường còn thiếu. Các nhà đầu tư, kinh doanh bất động sản gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các quy định về trình tự thủ tục giao đất, cho thuê đất, lập dự án đầu tư... Bên cạnh đó, Nghị định 71 hiện cũng chưa quy định cụ thể về giải quyết chuyển nhượng hợp động góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hay chưa quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan cấp giấy sở hữu nhà ở...
Cơ quan quản lý nói gì ?
Tại một cuộc hội thảo mới đây, khi được hỏi về hướng giải quyết việc hạn chế phí bôi trơn, ông Vũ Xuân Thiện – Cục phó Cục Quản lý nhà và thị trường (Bộ Xây dựng) tỏ ra hoài nghi. Ông Thiện cho rằng, tất cả mới là tin đồn. Nếu ai nói phí bôi trơn thì chỉ ra từng trường hợp cụ thể như ai, ở đâu thử xem !
Với kiểu trả lời đánh đố này thì chắc khó có DN nào muốn tự đưa mình vào cái tội... tiếp tay cho tham nhũng nên chỉ còn cách “ngậm bồ hòn làm ngọt”...