Hiện việc cơ cấu lại sản phẩm là một trong những điều cần làm từ phía các doanh nghiệp BĐS-Ảnh Thoa Nguyễn |
Thị trường đã bắt đáy
Theo đánh giá của ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS - Bộ Xây dựng, thị trường BĐS đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là nguồn vốn. Bên cạnh đó, tình trạng giao dịch yếu, doanh nghiệp kinh doanh đối diện với tình trạng đình trệ sản xuất, tín dụng thắt chặt... cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình chung của thị trường. Trước mắt, thị trường này sẽ còn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn.
Ông Chung cho rằng, năm 2015 sẽ là thời điểm sáng sủa của thị trường BĐS. Tuy nhiên, trước đó từ năm 2012 đến 2015 sẽ xảy ra một đợt điều chỉnh thị trường. Một số nhà đầu tư không còn đủ khả năng sẽ được thay thế bằng các chủ đầu tư mới. Thị trường sẽ tiếp tục đi ngang hoặc có sự đi xuống dù không nhiều và sẽ đi lên từ cuối năm 2012 và đạt đỉnh khoảng cuối năm 2014 hoặc đầu năm 2015.
Dưới góc độ một chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành - Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng thị trường BĐS năm 2012 vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, cạm bẫy đối với các nhà đầu tư nóng vội tham gia thị trường do sự mập mờ và thiếu thông tin.
Hơn nữa, ở góc độ vĩ mô, sự quan tâm dành cho BĐS vẫn xếp sau các nhiệm vụ hàng đầu hiện nay là ổn định vĩ mô, ngăn chặn lạm phát, tập trung cho thanh khoản ngân hàng yếu kém, ổn định sản xuất kinh doanh. Dù có được nới hơn năm ngoái nhưng chính sách năm nay vẫn còn rất chặt chẽ. Vì thế chưa thể mong cứu thị trường BĐS.
“Thị trường BĐS hiện nay đáng được chú ý nhưng lại ít được quan tâm”- ông Chung nói.
Nguyên nhân mà ông Chung đưa ra rằng khó khăn còn kéo dài bởi hiện không có dòng tiền đổ vào thị trường BĐS. Thêm vào đó bởi thị trường đã được mở rộng quá lớn về quy mô, nhất là hai thị trường Hà Nội và TP.HCM.
Bứt phá vẫn là chuyện kỳ vọng!
Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường bất động sản sẽ có tín hiệu tích cực vào cuối năm 2012 tùy thuộc vào nhiều yếu tố tác động; trong đó yếu tố quan trọng nhất là sự vận động của bản thân mỗi doanh nghiệp bất động sản.
Số liệu của các cơ quan chức năng cho thấy, cơ cấu sản phẩm bất động sản hiện chưa đáp ứng đúng nhu cầu thực. Ví dụ, thị trường căn hộ tại Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 37% là cao cấp, 28% trung bình nhưng chỉ có 25% là nhà ở bình dân.
Đặc biệt là tại Hà Nội, hiện nay các căn hộ có diện tích lớn trên 100m2 và khoảng 40% là hạng cao cấp với giá bán trên 30 triệu đồng/m2 bị dư thừa; trong khi các căn hộ có diện tích từ 30-70m2 hoặc đất nền có giá dưới 10 triệu đồng/m2 tại Thành phố Hồ Chí Minh và dưới 20 triệu đồng/m2 tại Hà Nội ở các vị trí hợp lý lại rất thiếu.
Điều đó đòi hỏi các doanh nghiệp phải cơ cấu lại sản phẩm trước khi đưa ra chào bán tại thị trường. Ông Chung cho rằng, các doanh nghiệp kinh doanh BĐS phải tái cấu trúc danh mục đầu tư cho phù hợp với quy mô và năng lực. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải huy động tối đa khả năng nhân tài, vật lực để hoàn thành những dự án dở dang nhằm thu hồi những nguồn lực để tái đầu tư. Doanh nghiệp cũng cần tập trung vào những sản phẩm trước mắt có cơ hội đáp ứng nhu cầu thực của thị trường.
Để giải quyết vấn đề vốn, ông Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, dòng vốn từ quỹ đầu tư nước ngoài là đích cho thị trường của chúng ta. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang phối hợp với các doanh nghiệp Nhật Bản tìm kiếm dự án sinh thái mà họ muốn đầu tư vào Việt Nam.
Ngoài ra, xu hướng mua bán sáp nhập cũng là điều cần được đẩy mạnh trong bối cảnh thị trường ảm đạm. Bởi việc thay đổi chủ đầu tư theo đánh giá của các chuyên gia sẽ tạo ra được những chuyển biến tích cực từ việc khắc phục tiến độ dự án, niềm tin của khách hàng và cơ hội sở hữu dòng sản phẩm phù hợp.