22/09/2012 9:02 AM
Một số chuyên gia dự báo, kiều hối năm nay có thể đạt khoảng 10 – 11 tỷ USD, tức tăng khoảng 20% so với năm 2011, và cao hơn mức tăng trung bình 10% – 15% của những năm gần đây.

Ông Trịnh Hoài Nam, Phó Giám đốc Công ty kiều hối Đông Á trả lời phỏng vấn phóng viên TBNH:

Xin ông cho biết, hoạt động kiều hối trong 8 tháng đầu năm nay diễn ra như thế nào?

Với sự điều hành của Chính Phủ, Ngân hàng Nhà Nước nên hoạt động kiều hối tại Việt Nam trong 8 tháng là có sự ổn định. So với năm ngoái doanh số có giảm chút ít do kiều hối cho mục đích đầu tư giảm mạnh khi các kênh đầu tư hấp dẫn như BĐS, hay chứng khoán chưa có sự khởi sắc so với các năm trước. Tuy nhiên, công ty chúng tôi vẫn duy trì được hiệu quả hoạt động chung và tính đến thời điểm này, có thể nói chúng tôi vẫn đi theo đúng kế hoạch đã đặt ra với doanh số kiều hối trong 8 tháng đầu năm đã vượt qua con số 1 tỷ đô la Mỹ.

Bất động sản là lĩnh vực "hút" kiều hối nhiều nhất với 4,7 tỷ USD, chiếm 52% trong tổng doanh số kiều hối năm 2011. Vì vậy có thể thấy sự biến động của thị trường đầu tư này sẽ ảnh hưởng đến "dòng chảy" của kiều hối.

Theo ông đâu là khó khăn khiến lượng kiều hối trong 3 quý đầu năm nay bị sụt giảm so với cùng kỳ, có sự biến động nào từ các thị trường kiều hối tiềm năng của VN hay không? Và theo ông sự sụt giảm này mang tính chất nhất thời hay dài hạn?

Hiện nay chúng ta chỉ mới có số liệu thống kê chính thức về kiều hối trong 6 tháng đầu năm của cả nước. Sự sụt giảm đang đề cập tới chỉ là sự sụt giảm trước mắt tại địa bàn TP.HCM nói riêng. Nếu so với tổng lượng kiều hối năm ngoái (9 tỷ USD), thực chất tổng doanh số kiều hối cả nước theo tôi vẫn được duy trì ổn định và có thể tăng chút ít vì chỉ mới 6 tháng, số liệu thống kê cả nước đã là 6 tỷ USD.

Các thị trường Kiều hối tiềm năng của VN vẫn là các thị trường truyền thống (Mỹ, Canada, Úc). Riêng tại Đông Á, doanh số kiều hối từ các thị trường này vẫn tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu và chiếm hơn 60% tổng doanh số. Ngoài ra, các thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) cũng đóng góp lượng doanh số đáng kể trong tổng doanh số của Đông Á.

Theo chu kỳ, doanh số kiều hối giảm mạnh vào những tháng sau Tết và những tháng hè, sau đó sẽ dần trở lại bình thường từ tháng 8. Vì vậy, chúng ta cần thêm thời gian và chờ đợi số liệu chính thức của cả nước từ Ngân hàng Nhà nước để xác định được chính xác tình hình.

Đâu là giải pháp để khôi phục lượng kiều hối của Việt Nam trong thời gian tới và dự đoán con số kiều hối của năm 2012 là bao nhiêu?

Thời gian vừa qua, tảng băng thị trường bất động sản đã được ít nhiều hỗ trợ từ gói kích cầu 29.000 tỷ đồng từ nhà nước và việc giảm nhẹ lãi suất ngân hàng. Nếu phục hồi được hoạt động bất động sản và sàn giao dịch chứng khoán, không những tăng lượng kiều hối mà còn cả những nguồn vốn nước ngoài khác, tác động kép tạo sức hút đầu tư nước ngoài cũng như tăng lượng kiều hối.

Đối với nguồn kiều hối từ XKLĐ: Nhà Nước phối hợp với các Bộ, Ngành cùng với Doanh nghiệp tham gia vào việc đảm bảo chất lượng nguồn lao động và kiểm soát lao động ngoại quốc cũng sẽ góp phần "bơm nước" vào kênh kiều hối.

Nói về kinh tế đầu tư nói chung, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang đắn đo suy nghĩ khi đầu tư vào Việt Nam và một số không nhỏ đang "dừng lại để quan sát" vì sự phức tạp về giấy tờ, dẫn đến biểu hiện quan liêu, tham nhũng trong khi quyền lợi của nhà đầu tư không được đảm bảo. Xây dựng hình ảnh một Việt Nam năng động, an toàn và thân thiện chính là trọng tâm để phòng và chống những đợt hạn hán của kênh kiều hối hiện tại và tương lai.

Tuy nhiên, một số chuyên gia dự báo, kiều hối năm nay có thể đạt khoảng 10 – 11 tỷ USD, tức tăng khoảng 20% so với năm 2011, và cao hơn mức tăng trung bình 10% – 15% của những năm gần đây.

Đa số người nhận kiều hối thích giữ ngoại tệ hay bán đi lấy VND?

Những năm trước, khách hàng nhận tiền kiều hối thích giữ ngoại tệ hoặc bán ra thị trường tự do. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian đầu năm nay, khách hàng có xu hướng đổi trực tiếp tai ngân hàng. Điều này cũng giúp cho hoạt động thu đổi ngoại tệ của ngân hàng phát triển rõ rệt. Hiện nay, các ngân hàng đang cố gắng đẩy sự chênh lệch giữa tỷ giá hoán đổi ngoại tệ trong ngân hàng và ngoài thị trường tự do rút ngắn dần. Và có thể thấy trong thời gian gần đây, có những lúc tỷ giá trong ngân hàng và ngoài thị trường tự đo đã bằng nhau.

Tuy nhiên tâm lý của người dân hiện vẫn thích hoán đổi ngoài thị trường tự do. Về vấn đề này chúng ta cần phải có thời gian để người dân quen dần với việc chuyển đổi ngoại tệ trong ngân hàng. Bên cạnh đó, khách hàng nhận tiền kiều hối sử dụng tiền để trang trải cho các hoạt động sinh sống bình thường, chỉ một số ít để gửi tiết kiệm, nên ngân hàng cũng khó lòng giữ được USD lâu.

Xin cảm ơn Ông.

Theo Đào Nương (TBNH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.