15/10/2011 5:00 PM
Tổ chức Knight Frank cho rằng, thanh khoản của thị trường BĐS quý 3 vừa qua đặc biệt thấp, nhiều khách hàng tiềm năng vẫn chờ đợi. Thị trường đang bị tác động bởi chính sách kiềm chế lạm phát của Chính phủ, hạn chế cho vay nhằm tránh rủi ro.

Thị trường bất động sản vẫn chờ... tín dụng?

Nhiều khách mua tiềm năng còn e ngại và tiếp tục chờ đợi nguồn tài chính khiến thị trường vẫn trầm lắng. Ảnh: Hải Nguyễn.


Theo Knight Frank, bất động sản Hà Nội trong quý 3 tiếp tục trầm lắm do nguồn tín dụng vẫn hạn chế và các khó khăn của nền kinh tế vẫn còn hiện hữu. Rất nhiều khách mua tiềm năng còn e ngại và tiếp tục chờ đợi, trước hết là do hạn chế trong việc tiếp cận nguồn tài chính, thứ đến là do trong quý vừa qua các hình thức đầu tư khác mang lợi nhuận cao hơn, đặc biệt là vàng.


Tốc độ bán hàng một số dự án căn hộ vẫn chậm, rất nhiều các dự án khác phải tạm hoãn hoặc đình trệ do thiếu vốn. Trong thời gian tới, tình hình hoạt động của thị trường nhà ở sẽ tiếp tục tương tác với các yếu tố như tỷ lệ lạm phát, chính sách tiền tệ của chính phủ và tình hình hoat động của các hình thức đầu tư khác như vàng và chứng khoán.


Tuy nhiên, lưu ý rằng các yếu tố quyết định đến nhu cầu của người mua nhà để ở: tốc độ tăng trưởng dân số, tốc độ đô thị hóa, tăng trưởng thu nhập, và sự xuống cấp của các khu nhà ở hiện tại, sẽ tiếp tục mang lại triển vọng cho thị trường nhà ở trong trung hạn.


Thị trường căn hộ dịch vụ cho thuê không có dự án mới nào đi vào hoạt động trong quý vừa qua. Nguồn cung vì thế vẫn duy trì với khoảng 2.500 căn hộ thuộc 55 dự án. Tỷ lệ cho thuê của các dự án hạng A, B và C tương ứng là 85%, 90% và 90%. Chúng tôi nhận thấy có nhiều các yêu cầu tìm nhà đến từ các cá nhận và tổ chức ngoại giao chuẩn bị nhiệm kỳ mới vào thời điểm cuối quý. Mảng thị trường này tiếp tục bị cạnh tranh bởi các căn hộ và biệt thự cao cấp cho thuê, đặc biệt là biệt thự tại khu vực Tây Hồ.


Mặc dù nguồn cung thị trường văn phòng được cung cấp thêm khoảng 17.000 m2 diện tích, nhưng nhìn chung, toàn thị trường vẫn tiếp tục chịu áp lực giảm giá thuê mặc dù có sự khác biệt rõ rệt giữa các khu vực và mỗi tòa nhà.


Tại khu vực trung tâm, giá thuê vẫn tương đối ổn định và không có sự giảm giá nhiều ngoại trừ một số tòa văn phòng mới đi vào hoạt động, giảm khoảng 10% so với quý trước, hay các tòa nhà đã hoạt động nhưng có diện tích trống lớn, giảm 7-9%. Về phía Tây của thành phố, giá thuê giảm nhiều hơn với một số tòa văn phòng có mức giảm giá từ 12% đến 15%.


Dự báo thị trường BĐS về trung hạn, ông Trần Kim Chung - Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, thị trường vẫn có xu hướng chờ đợi các yếu tố xác định thị trường. Tuy nhiên, tình hình sẽ theo chiều hướng khả quan hơn bởi lẽ xu thế những chu kỳ kinh tế và chu kỳ thị trường BĐS những năm qua cho thấy, sau 3- 4 năm điều chỉnh suy giảm, thị trường đã tự tích lũy một số thế năng để có thể bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới.

Theo Lê Thảo (Lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.