Các chuyên gia cảnh báo giá bất động sản toàn cầu, vốn là động lực cho chu kỳ tăng kéo dài 3 thập kỷ của các cổ phiếu liên quan, sẽ chỉ tăng ở mức vừa phải trong những tháng tới do việc thắt chặt chính sách, các biện pháp hạ nhiệt và những biến động tiêu cực từ thị trường Trung Quốc.

Chỉ số Thành phố Dân cư Toàn cầu của Knight Frank, theo dõi giá nhà ở 150 thành phố, có khả năng đạt đỉnh trong 12 tháng tới. Trong đó, các thành phố có giá tăng ở mức hai con số sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn khi các ngân hàng trung ương bắt đầu tăng lãi suất trở lại.

Chỉ số này đã tăng 9,8% trong quý 2/2021 so với một năm trước đó. Tuy vậy, động lực tăng trưởng đã giảm bớt ở một số quốc gia, đặc biệt là ở Trung Quốc khi cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande làm mất niềm tin của người mua và khiến doanh số giảm sút. Giá nhà tại 15 thành phố thuộc Trung Quốc đại lục nằm trong chỉ số này chỉ tăng trung bình 5,6% trong 12 tháng tính đến tháng 6 vừa qua, thấp hơn nhiều so với tốc độ 8,6% của 2 năm trước đó.

Kate Everett-Allen, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu nhà ở quốc tế của Knight Frank, cho biết: “Thị trường nhà ở có nhiều dư địa hơn để hoạt động. Chúng ta đang chuyển sang một giai đoạn mới khi chính sách tiền tệ thắt chặt hơn, làm giảm bớt các lo ngại về bong bóng. Nhưng nhu cầu về nhà ở sẽ bắt đầu suy yếu khi các khoản tiết kiệm của người dân giảm đi sau đại dịch và chính sách tiền tệ thắt chặt”.

Chỉ số Bất động sản Toàn cầu S&P, theo dõi 852 công ty bất động sản với tổng giá trị vốn hóa thị trường là 2,3 nghìn tỷ USD, đã tăng 11% trong năm nay, lấy lại tất cả sự sụt giảm do đại dịch Covid-19 gây ra. Chỉ số này, được công bố lần đầu vào tháng 12 năm 1992, đã giảm so với mức kỷ lục được thiết lập vào tháng trước.

Hàn Quốc, Na Uy, New Zealand và Ba Lan đều đã tăng lãi suất để giải quyết áp lực lạm phát. Trong khi đó, Anh và Mỹ dự kiến ​​sẽ tiếp bước trong trung hạn bằng cách giảm bớt các gói kích thích.

Alicia Garcia Herrero, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Natixis, cho biết: “Các biện pháp taper sẽ là một cú sốc tiêu cực đối với giá tài sản, bao gồm cả bất động sản. Đây là trường hợp ít xảy ra hơn ở châu Âu, vì Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ mất nhiều thời gian hơn để điều chỉnh”.

Taper là việc giảm mua trái phiếu và tài sản của các ngân hàng trung ương để siết chặt việc kiểm soát tiền tệ và ổn định hệ thống tài chính để tránh lạm phát. Một nửa các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang dự kiến ​​sẽ bắt đầu tăng lãi suất vào năm tới và cho rằng chi phí đi vay nên tăng vào cuối năm 2023.

Garcia-Herrero cho biết một cú sốc tiêu cực khác đối với thị trường bất động sản toàn cầu là thiếu các thương vụ quy mô lớn, đặc biệt là bởi những người mua Trung Quốc do chính phủ kiểm soát dòng vốn ra nước ngoài. Trong nước, giới chức Trung Quốc cũng đang loại bỏ đầu cơ trên thị trường nhà ở và thúc đẩy chương trình “thịnh vượng chung” cho toàn dân.

Everett-Allen lưu ý rằng không giống như năm 2008, các ngân hàng hiện đang đưa ra các quy tắc cho vay chặt chẽ hơn trên toàn cầu, các hộ gia đình ít mắc nợ hơn, sẽ không có sự biến động bất ngờ về tỷ lệ thất nghiệp hoặc thay đổi lãi suất ở các nền kinh tế lớn.

Viện Đất Đai Đô Thị (ULI), một tổ chức nghiên cứu và giáo dục phi lợi nhuận, cho biết những điểm sáng đến từ thị trường văn phòng và hậu cần, trong khi triển vọng của lĩnh vực bán lẻ vẫn không mấy khả quan trong năm nay.

David Faulkner, chủ tịch ULI tại Châu Á - Thái Bình Dương cho biết: “Chúng tôi cũng kỳ vọng bất động sản trung tâm dữ liệu sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ với sự tăng trưởng của công nghệ đám mây và nền kinh tế số”.

  • Nguyên nhân nào dẫn đến khủng hoảng nhà ở toàn cầu?

    Nguyên nhân nào dẫn đến khủng hoảng nhà ở toàn cầu?

    Cuộc khủng hoảng nhà ở diễn ra trên toàn cầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Giá nhà tăng vọt còn thị trường cho thuê bế tắc khi nhiều người thuê mất khả năng thanh toán. Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng này đến từ đâu?

Lam Vy (SCMP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.