10/05/2023 6:07 PM
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa điều chỉnh kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025, đồng thời phê duyệt quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030 tại các địa phương. Qua đó hé mở loạt dự án bất động sản quy mô lớn cùng với hàng loạt khu vực phát triển mới trên địa bàn tỉnh.

Một dự án bất động sản đang triển khai tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Lưu Bang

Loạt “siêu” dự án chờ nhà đầu tư

Khác với việc chỉ tập trung vào sản phẩm đất nền để chuyển quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng như những dự án đã phát triển trong thời gian qua, thị trường nhà đất Thừa Thiên Huế đang dần xuất hiện nhiều dự án lớn, được quy hoạch bài bản với đa dạng sản phẩm.

Ngày 19/4 vừa qua, Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế đã công bố điều chỉnh kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh năm 2023.

Theo đó, giai đoạn 2021 - 20225, Thừa Thiên Huế dự kiến kêu gọi đầu tư 45 dự án nhà ở thương mại. Trong đó có rất nhiều dự án quy mô lớn từ vài ngàn tỉ đồng đến hàng chục ngàn tỉ đồng, tập trung chủ yếu tại thành phố Huế, huyện Phú Vang, thị xã Hương Thủy, huyện Phú Lộc.

Một số dự án quy mô lớn dự kiến kêu gọi đầu tư trong giai đoạn 2023 - 2030 như: Khu đô thị sinh thái Hương Vinh có diện tích 800ha và tổng vốn đầu tư 10.267 tỉ đồng; Khu đô thị sinh thái khu vực xã Thủy Thanh và khu vực lân cận thị xã Hương Thủy có diện tích khoảng 300ha và tổng vốn đầu tư khoảng 11.491 tỉ đồng; Khu đô thị Vân Thê có diện tích khoảng 200ha và tổng vốn đầu tư khoảng 10.080 tỉ đồng.

Tại huyện Phú Vang có các dự án Khu dân cư xã Phú Hồ 1 tại xã Phú Hồ có diện tích khoảng 321ha và tổng vốn đầu tư 15.000 tỉ đồng; Khu dân cư kết hợp du lịch sinh thái đầm Hà Trung có diện tích khoảng 619ha và tổng vốn đầu tư khoảng 32.000 tỉ đồng; Khu dân cư sinh thái Phú Lương có diện tích khoảng 300ha và tổng vốn đầu tư khoảng 11.340 tỉ đồng; Khu dân cư, du lịch nghỉ dưỡng Phú Hồ 3 tại xã Phú Hồ, Phú Lương, Phú Xuân, Phú Mỹ có diện tích khoảng 1.495ha, tổng vốn đầu tư 37.674 tỉ đồng.

Thừa Thiên Huế đang đẩy mạnh đầu tư hạ tầng tại khu vực đô thị phát triển đô thị mới An Vân Dương. Ảnh: Lưu Bang

Những vùng đất phát triển mới

Theo kế hoạch quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được UBND tỉnh phê duyệt, đến năm 2030 huyện Phú Lộc có 45.416 ha đất nông nghiệp; 26.535 ha đất phi nông nghiệp; 90 ha đất chưa sử dụng.

Trong diện tích đất phi nông nghiệp nói trên sẽ có 1.557 ha đất ở tại nông thôn, tăng 376 ha so với năm 2020; 556 ha đất ở tại đô thị, tăng 382 ha so với năm 2020; 3.980 ha đất khu công nghiệp, tăng 3.341 ha so với năm 2020; 2.102 ha đất thương mại, dịch vụ, tăng 1.432 ha so với năm 2020.

Trong định hướng quy hoạch sử dụng đất đến năm 2050, huyện Phú Lộc sẽ kêu gọi đầu tư vào khu công nghiệp Chân Mây – Lăng Cô, La Sơn. Đồng thời phát triển khu công nghệ cao với diện tích 1.100 ha.

Đặc biệt, Phú Lộc sẽ tận dụng tối đa lợi thế có nhiều phong cảnh đẹp ưu đãi từ thiên nhiên để đẩy mạnh dịch vụ du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Trong đó, huyện sẽ phát triển các khu du lịch sinh thái Bãi Cả; khu du lịch sinh thái Bãi Chuối; Khu du lịch Suối Voi; Khu du lịch nghỉ dưỡng sân gôn Lăng Cô; Khu đô thị kết hợp du lịch biển Lăng Cô – Đầm Lập An; Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế Minh Viễn – Lăng Cô.

Trong khi đó đến năm 2030, huyện Phú Vang được quy hoạch với diện tích đất nông nghiệp khoảng 10.587 ha; đất phi nông nghiệp khoảng 12622 ha; đất chưa sử dụng khoảng 322 ha.

Trong diện tích đất phi nông nghiệp nói trên sẽ có 1.333 ha đất ở tại nông thôn, tăng 297 ha so với năm 2020; 250 ha đất khu công nghiệp, tăng 216 ha so với năm 2020; 672 ha đất thương mại, dịch vụ, tăng 523 ha so với năm 2020;…

Huyện Phú Vang sẽ phấn đấu sau năm 2030 đạt đô thị loại 3.

Tương tự, đến năm 2030 trên địa bàn thị xã Hương Thủy được quy hoạch với diện tích đất nông nghiệp khoảng 31.373 ha; diện tích đất phi nông nghiệp khoảng 11.260 ha; diện tích đất chưa sử dụng khoảng 116 ha.

Trong diện tích đất phi nông nghiệp nêu trên, diện tích đất khu công nghiệp khoảng 743 ha; đất thương mại, dịch vụ khoảng 428 ha; đất ở tại đô thị khoảng 1.235 ha; đất ở tại nông thôn khoảng 169 ha;…

Quy hoạch cũng xác định những định hướng, tầm nhìn quy hoạch sử dụng đất thị xã Hương Thủy đến năm 2050. Trong đó có việc tranh thủ, đón đầu lợi thế các dự án lớn, như mở rộng sân bay quốc tế Phú Bài, khu công nghiệp Phú Bài giai đoạn 4, đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn, khai thác tiềm năng về quỹ đất, phát triển các dịch vụ đô thị và ven đô,…

Đặc biệt, đến năm 2030, quy hoạch tại thành phố Huế sẽ có khoảng 12.667,20 ha đất nông nghiệp và 13.729,19 ha phi nông nghiệp. Tại thành phố Huế sẽ có 2.100 ha đất nông nghiệp chuyển sang đất phi nông nghiệp; 142 ha đất chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong nội bộ đất nông nghiệp; 160 ha đất phi nông nghiệp không phải là đất ở chuyển sang đất ở.

Quy hoạch sử dụng đất vừa được phê duyệt cũng đã cho biết định hướng, tầm nhìn quy hoạch sử dụng đất thành phố Huế đến năm 2050.

Trong đó có tầm nhìn định hướng không gian đô thị. Theo đó, khu vực phát triển đô thị Bắc sông Hương nằm ở trung tâm phía Bắc thành phố Huế sẽ là trung tâm di tích lịch sử, văn hoá, thương mại dịch vụ, cảnh quan thiên nhiên đặc thù của thành phố Huế.

Khu vực phát triển đô thị Nam sông Hương nằm ở khu vực trung tâm phía Nam thành phố Huế sẽ là trung tâm hành chính chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh và thành phố Huế; trung tâm thương mại, dịch vụ; trung tâm đào tạo y tế cấp vùng.

Khu vực phát triển đô thị mới An Vân Dương là trung tâm dịch vụ thương mại; trung tâm thể dục thể thao, vui chơi giải trí; trung tâm hành chính, công nghệ thông tin tập trung, phục vụ nhu cầu về du lịch nghỉ dưỡng của người dân thành phố cũng như du khách đến thành phố. Là khu đô thị mới hiện đại xen lẫn các hình thức ở.

Khu vực phát triển đô thị Thuận An là khu vực phát triển du lịch – kinh tế khai thác tài nguyên biển và hạ du sông Hương. Chức năng đô thị khá đa dạng bao gồm cư trú, thương mại, du lịch, ngư nghiệp, cảng biển.

Thị trường bất động sản Thừa Thiên Huế đang ra sao?

Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, thị trường bất động sản trong năm 2022 có diễn biến không mấy khả quan. Trong cả năm 2022, toàn tỉnh có 13.097 lô đất nền, 360 căn nhà ở riêng lẻ và 83 căn chung cư giao dịch thành công.

Nguồn cung trên thị trường chủ yếu thuộc phân khúc trung, cao cấp với mức giá không phù hợp với đa số người có nhu cầu ở thực. Bên cạnh đó, dòng vốn bất động sản gặp khó và lãi suất tăng khiến nhiều nhà đầu tư do dự trong các quyết định đầu tư. Ngoài ra, giá bất động sản có dấu hiệu chững lại, một số dự án đã phải áp dụng chính sách bán hàng linh hoạt, chiết khấu, hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc, cam kết vay, mua lại.

Bước sang quý 1/2023, thị trường bất động sản địa phương vẫn tồn tại hai khó khăn cơ bản về vấn đề pháp lý và nguồn vốn. Những khó khăn nêu trên đã dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp phải giãn tiến độ hoặc dừng triển khai thực hiện dự án. Nhiều doanh nghiệp phải chọn giải pháp thay đổi phương án kinh doanh, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động.

Về lượng giao dịch bất động sản, trong quý 1/2023, trên địa bàn tỉnh có 2 doanh nghiệp báo cáo bán được 23 căn nhà ở riêng lẻ. Trong đó, Công ty CP Tập đoàn BGI bán được 20 căn và Công ty CP Đầu tư bất động sản Phú Xuân bán được 3 căn nhà ở riêng lẻ.

Cũng theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có 700 căn nhà tại các dự án đủ điều kiện đưa vào giao dịch nhưng chưa giao dịch.

Lưu Bang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.