Tại
buổi họp báo chuẩn bị cho Đại hội nhiệm kỳ 3 Hiệp hội Bất động sản Việt
Nam diễn ra tại Hà Nội ngày 16/7, bà Nguyễn Thị Thành Hương, đại diện
Hiệp hội Bất động sản Đồng Nai cho biết, thời gian qua nhiều nhà đầu tư
nước ngoài đến Đồng Nai để tìm hiểu cơ hội đầu tư vào thị trường bất
động sản. Tuy nhiên, điều họ e ngại nhất trước khi quyết định đầu tư đó
là sự thiếu thông tin về thị trường.
"Không chỉ nhà đầu tư nước ngoài, mà ngay cả với các nhà đầu tư trong nước, các chủ đầu tư phát triển dự án cũng rất cần các thông tin tổng hợp, phân tích và dự báo để làm cơ sở đầu tư. Tuy nhiên, do thiếu thông tin thống kê, dự báo, nên thực tế tại nhiều địa phương thời gian qua đã xảy ra câu chuyện đầu tư theo phong trào, để rồi dẫn đến thực trạng thiếu hoặc thừa hàng hóa tại một phân khúc thị trường nào đó", bà Hương nói và cho rằng, đã đến lúc cần phải có một kênh tập hợp thông tin, phân tích và dự báo chính thống về bất động sản từ các cơ quan nhà nước để thị trường được minh bạch, phát triển bền vững hơn.
Ông Tống Văn Nga, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thừa nhận, hiện nay chưa có một kênh thống kê, phân tích dự báo chính thức từ các cơ quan quản lý chuyên môn là một khiếm khuyết của thị trường bất động sản. "TP. HCM là một thành phố có thị trường bất động sản phát triển mạnh nhất cả nước, nhưng thực sự khó tìm được thông tin chính thức nào từ các cơ quan quản lý nhà nước để phân tích, dự báo. Phần lớn thông tin của thị trường thời gian qua chỉ dựa vào báo cáo của những công ty nghiên cứu thị trường như CBRE, Savills…", ông Nga đánh giá và cho biết, trong kỳ Đại hội nhiệm kỳ 3 Hiệp hội bất động sản sẽ đề cập đến vấn đề này.
Giới chuyên môn cho rằng, hệ lụy từ việc thiếu thông tin dự báo không những làm cho thị trường bất động sản thiếu minh bạch, mà còn tạo ra nhiều nghịch lý khác. Chẳng hạn, thị trường bất động sản TP. HCM những năm 2007 - 2008, khi đó phân khúc căn hộ cao cấp lên cơn "sốt", các nhà đầu tư đua nhau xây dựng dự án căn hộ cao cấp. Sau đó, phân khúc này bị đóng băng, do đối tượng khách hàng hạn hẹp. Các chủ đầu tư đồng loạt quay sang thay đổi thiết kế, chuyển hướng đầu tư vào phân khúc căn hộ trung bình thấp, vì "cảm nhận" đây là phân khúc phù hợp với đại đa số người tiêu dùng. Và từ đầu năm 2010 đến nay, theo số liệu được công bố từ Công ty CBRE Việt Nam, trong năm 2010, TP. HCM có đến 55 dự án căn hộ trình làng, cung cấp cho thị trường khoảng 22.000 căn hộ. Tuy nhiên, trong năm 2010, thị trường chỉ có khoảng 50% số căn hộ trên được tiêu thụ. Năm 2011, theo CBRE, TP. HCM có thêm 79 dự án, với khoảng 40.000 căn hộ được chào bán. Như vậy, nếu cộng dồn cả nguồn cung năm 2011 và nguồn cung ứ đọng của năm 2010, thì TP. HCM có khoảng 50.000 căn hộ được tung ra thị trường. Một số thông tin cho rằng, nguồn cung căn hộ trung bình thấp đang có dấu hiệu bội cung.
Do
không có nguồn thông tin chính thống về thị trường bất động sản, nên
phần lớn nhà đầu tư và cả báo chí thời gian qua phải tự tìm hiểu thông
tin hoặc dựa vào báo cáo thị trường của các đơn vị nghiên cứu, tư vấn.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận có những đơn vị bỏ công sức nghiên cứu thị
trường để đưa ra được những số liệu tương đối cơ bản. Ngược lại, có đơn
vị mang tiếng là nghiên cứu, tư vấn chuyên nghiệp, nhưng thực tế chỉ sử
dụng lại thông tin từ báo chí làm báo cáo cho mình, sau đó gửi cho các
doanh nghiệp nhằm mục đích kinh doanh.
Ông Trần Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty Vinaland cho rằng, nếu các công ty nghiên cứu thị trường đưa ra báo cáo trong phạm vi quản lý của họ thì có thể đúng, còn nếu báo cáo cho cả thị trường thì rất nghi ngờ. Về nguyên tắc, các đơn vị nghiên cứu và tư vấn phải độc lập với nhau, nhưng thực tế hiện nay, phần lớn báo cáo nghiên cứu thị trường cũng chính do các đơn vị tư vấn đưa ra. Đây là một điều cần suy ngẫm.
Theo ông Hoàng, thị trường bất động sản Việt Nam ngày càng phát triển nên cần thiết có một bộ phận chuyên trách tổng hợp thông tin, phân tích, dự báo thị trường. Những dự báo ở đây không cần phải dự báo về giá, mà chỉ cần dự báo về lượng. Bộ Xây dựng là cơ quan thích hợp để thực hiện điều này, vì đây là cơ quan có thể nắm bắt được các đầu mối thông tin có bao nhiêu dự án được xây dựng, có bao nhiêu căn hộ sẽ hình thanh…, để từ đó đưa ra những dự báo phù hợp.