20/10/2011 2:22 AM
Theo các chuyên gia, giữa lúc thị trường bất động sản (BĐS) đang gặp khó khăn "khát vốn", phân khúc căn hộ có giá bình dân dao động từ 1 - 3 tỉ đồng bán khá chạy, thậm chí "cháy hàng"do hợp với túi tiền của số đông người mua có nhu cầu ở thực.

Thị trường bất động sản: Tăng, giảm phụ thuộc chính sách tiền tệ

Căn hộ có giá dưới 3 tỉ đồng luôn "cháy hàng". Trong ảnh: Khu ĐTM Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: Minh Trang


Bình dân “cháy hàng”, cao cấp “ế”


Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn cho biết, hiện các căn hộ chung cư có giá từ 1 - 3 tỉ đồng được chọn mua nhiều nhất và luôn rơi vào tình trạng "cháy hàng". Vì các căn hộ này có mức giá vừa phải, phù hợp với khả năng tài chính của nhiều khách hàng.


Theo khảo sát, phân khúc căn hộ bình dân có giá từ 1 - 3 tỉ đồng ở Hà Nội rất ít, trong khi nhu cầu về loại hình căn hộ này rất lớn. Chỉ có ở khu vực vùng ven xa trung tâm như ở Xa La, Sài Đồng, Đặng Xá, Mê Linh… mới có giá bán căn hộ dưới 20 triệu đồng/m2. Dạo qua các sàn giao dịch BĐS, chúng tôi được nghe nhiều sàn phản ánh, thời gian gần đây, căn hộ chung cư có giá dao động từ 1 - 3 tỉ đồng ra hàng đến đâu bán hết đến đó, cá biệt nhiều khách hàng đặt mua phân khúc này từ trước vì lo ngại không có căn hộ để mua.


Anh Bùi Đức Tiến, nhân viên kinh doanh của Sàn giao dịch BĐS - Imicoland cho hay, tại các khu đô thị như Xa La, Linh Đàm, Nam Trung Yên, Hà Đông… các căn hộ chung cư có giá trị hơn 2 tỉ đồng/căn bán rất chạy. "Để tìm mua được căn hộ xếp vào diện "hàng hiếm" này ở trong nội thành Hà Nội ngày càng khó khăn do nguồn cung ít" - anh Tiến nhận xét.


Còn ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho rằng, phân khúc căn hộ có giá bình dân dao động từ 1 - 3 tỉ đồng rất tiềm năng trong thời gian tới, vì nhận được nhiều sự quan tâm của khách hàng có mức thu nhập trung bình muốn sở hữu căn hộ để ở.


Trong khi "hàng hiếm" căn hộ bình dân ra đến đâu bán hết đến đó, phân khúc căn hộ cao cấp rơi vào cảnh "ế ẩm" trong suốt thời gian qua, ít người hỏi mua vì giá thành căn hộ quá cao (dao động từ 5 - 7 tỉ đồng). Theo các sàn giao dịch BĐS, sở dĩ phân khúc cao cấp "đắp chiếu" là do giới đầu tư chờ thời, không muốn đổ tiền đầu tư vào thời điểm ảm đạm như hiện nay, cộng với người tiêu dùng có nhu cầu ở thực không mấy mặn mà với phân khúc này, vì giá trị quá cao.


Nới lỏng tín dụng sẽ sôi động

Để giảm thiểu số lượng căn hộ cao cấp phát triển ồ ạt trong khi phân khúc có giá trung bình đang thiếu trầm trọng, thời gian tới cần tăng cường đầu tư vào căn hộ có giá trung bình đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đặc biệt, muốn căn hộ có giá thành hợp lý, các chủ đầu tư phải tính toán cụ thể suất đầu tư, tận dụng công nghệ thi công mới và cân đối diện tích căn hộ phù hợp, mới "hút" được khách hàng.

Ông Nguyễn Mạnh Hà Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng)



Ông Trần Xuân Lượng, Giám đốc Sàn giao dịch BĐS hàng không Thăng Long, nói: "Để thị trường BĐS sôi động trở lại quan trọng là thay đổi về chính sách, tài chính và nới tín dụng của ngân hàng". Cùng chung quan điểm này, ông Trần Đức Diễn, Giám đốc Sàn giao dịch BĐS Maxland, cho rằng: Thời gian tới, nới lỏng tín dụng, hạ lãi suất và cần có chính sách cân đối cung - cầu giữa các phân khúc nhằm kìm hãm sự phát triển của các phân khúc BĐS phục vụ lợi ích số ít người, mà ưu tiên phát triển các phân khúc phục vụ cho đa số người dân. "Thị trường BĐS có xu hướng sôi động và đạt tốc độ tăng trưởng cao khi tín dụng được nới lỏng và ngược lại" - TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho hay.


Tuy nhiên, theo Công ty tư vấn BĐS Knight Frank, thị trường BĐS Hà Nội vẫn tiếp tục trầm lắng, do nguồn tín dụng hạn chế, cộng với khó khăn của nền kinh tế như lạm phát cao, chỉ số giá tiêu dùng có giảm nhưng không đáng kể. Chính điều này tác động tới tâm lý khác mua tiếp cận với nguồn vốn, trong khi thị trường vàng luôn biến động, làm cho tâm lý người dân đua nhau đầu tư kiếm lời. Nhận định về thị trường BĐS trong thời gian tới, theo GS.TS Đặng Hùng Võ, nếu lạm phát giảm, điều hành kinh tế vĩ mô ổn định, đặc biệt chờ tín hiệu Ngân hàng Nhà nước nới lỏng tín dụng hơn nữa, có chăng thị trường sẽ sôi động vào khoảng đầu quí I hoặc quí II/2012.

Theo Minh Trang (KTĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.