"Thị trường bất động sản (BĐS) đang trong giai đoạn buộc tái cấu trúc lại chính mình để hình thành diện mạo mới với cơ cấu hàng phù hợp hơn. Bộ Xây Dựng đang yêu cầu các địa phương tổ chức rà soát lại các dự án đô thị mới trên địa bàn, quyết định dự án nào nên dừng, dự án nào nên tiếp tục đầu tư hoàn thiện”. Ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục quản lý Nhà và thị trường BĐS khẳng định tại cuộc họp "giải pháp tổng thể cho thị trường BĐS năm 2012”, tổ chức ngày 28-3, tại Hà Nội.
"3 kịch bản” cho thị trường nhà đất

Từ cuối năm 2011 đến nay, giá nhà đất tại thị trường Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã giảm mạnh từ 20- 30%, nhưng vẫn rất ít giao dịch. Nhiều chủ đầu tư các dự án chung cư, nhất là chung cư cao cấp phải chấp nhận giảm giá tới 35% để thu hồi vốn và trả nợ ngân hàng. Hiện tại số căn hộ chung cư còn tồn đọng tại Hà Nội vào khoảng 16.000 căn, trong khi số căn hộ dự kiến chào bán mới trong năm 2012 lên tới hơn 22.000 căn. Vậy, thời gian tới thị trường BĐS sẽ vận động như thế nào? Theo TS. Trần Kim Chung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương có 3 kịch bản có thể xảy ra đối với thị trường BĐS. Kịch bản thứ nhất, theo ông Chung là kịch bản khó xảy ra nhất nhưng lại được mong muốn nhất, đó là thị trường khởi sắc. Điều kiện của kịch bản này là tình hình kinh tế thế giới ổn định, các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu vượt qua khỏi khủng hoảng nợ công. Tình hình kinh tế vĩ mô trong nước khởi sắc, tăng trưởng cao, lạm phát tiếp tục được kiềm chế, lãi suất về mức 10%/năm.

Một số công cụ tài chính bất động sản ra đời, chẳng hạn như quỹ tín thác BĐS, quỹ tiết kiệm tương hỗ... Khi đó, thị trường sẽ qua điểm đáy và khởi sắc vào tháng 9-2012. Từ tháng 3 đến tháng 10-2012 sẽ là giai đoạn thử lửa, sàng lọc các doanh nghiệp bất động sản. Một giai đoạn phát triển mới, giai đoạn tài chính hoá thị trường BĐS bắt đầu. Tuy nhiên, "vì giả định quá nhiều yếu tố tốt đẹp cùng xảy ra nên khả năng hiện thực của phương án này rất thấp” – ông Chung nói.

Kịch bản thứ 2, là "thuận theo ý trời”. Các doanh nghiệp BĐS sẽ gặp khó khăn lớn, thị trường sẽ suy giảm trầm trọng, các dự án sẽ tiếp tục bị ngưng trệ. Nhiều công trình sẽ tiếp tục bị đóng băng, các nhà đầu tư thứ cấp sẽ rời bỏ thị trường BĐS và thị trường này sẽ cần một thời gian khá dài để tái phục hồi.

Kịch bản thứ 3, kịch bản dễ xảy ra nhất - Đó là tình hình sẽ tiếp tục như hiện nay. Các chính sách tiếp tục được nghiên cứu, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục hoạt động cầm chừng, các nhà đầu tư sẽ tiếp tục hy vọng, một số nhà đầu tư sẽ thu hẹp sản xuất. Nhưng đến năm 2013, bất chấp những khó khăn về vốn, thị truờng sẽ phát triển trở lại. Ông Nguyễn Mạnh Hà cũng khẳng định, doanh nghiệp BĐS vẫn đang trong giai đoạn thiếu vốn, khó tiếp cận lãi suất. Cơ cấu nhà ở vẫn mất cân đối trong đó thiếu nguồn cung nhà diện tích nhỏ từ 30 – 50m2. Tuy nhiên, đến quý I-2012, Việt Nam đã kiểm soát được lạm phát và tạo hi vọng cho nguồn vốn tín dụng sẽ được cải thiện hơn.

Cần tập trung đổi mới, nâng cao tính liên kết đồng bộ

Ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết trong tháng 4 này, Bộ Xây Dựng có văn bản trình Chính phủ Quỹ tiết kiệm nhà ở để thực hiện trong năm 2013. Theo đó sẽ có 2 loại quỹ: Quỹ tiết kiệm nhà ở cho người có thu nhập thấp, với sự tham gia quyết liệt của nhà nuớc và Quỹ tiết kiệm nhà ở cho người có thu nhập trung bình trở lên dành cho đối tượng người mua nhà không phụ thuộc vào ngân hàng. Hiện đang là mô hình phổ biến ở các nước phát triển, "qua quá trình nghiên cứu, mô hình này hoàn toàn có thể áp dụng thành công ở Việt Nam” – ông Hà nhấn mạnh.

Liên quan đến sự can thiệp của nhà nước đối với thị trường BĐS, ông Nguyễn Đắc Nhẫn – Phó Cục trưởng Cục Quy hoạch đất đai, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Chính phủ cũng đã phân bổ các chỉ tiêu sử dụng đất cấp quốc gia cho các địa phương và chỉ đạo hướng dẫn hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp năm 2012. Do vậy trong thời gian tới ngành cần tập trung đổi mới, nâng cao tính liên kết đồng bộ giữa quy hoạch đất và quy hoạch ngành. Nâng cao chất lượng dự báo nhu cầu của thị trường để tạo nguồn cung ổn định.

Tuy nhiên, dù với những phương án và kịch bản nào thì biện pháp cấp bách vẫn là "nguồn vốn cho bất động sản”. Các doanh nghiệp cần sử dụng nguồn vốn huy động đúng, hợp lý, tránh đầu tư dàn trải nếu cần có thể liên doanh liên kết hoặc sáp nhập giữa các doanh nghiệp để nhằm tăng năng lực tài chính, giảm các chi phí sản xuất để tồn tại.
Theo Đại đoàn kết
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.