Các chuyên gia cho rằng, các dự án cao cấp đang phải cạnh tranh khốc liệt do nhiều chủ đầu tư đang rầm rộ chào bán sản phẩm, như dự án Royal City (Nguyễn Trãi) khoảng 4.000 căn hộ; GoldenPalace (Mễ Trì) khoảng 1.000 căn hộ; hay CastlePlaza (Hồ Tùng Mậu) chào bán 4.000 căn hộ.
Công ty CBRE Vietnam dự báo, trong quý III này, sẽ có khoảng 5.000 căn hộ được chào bán ra thị trường, cùng với đó là giá chào bán có xu hướng giảm dần. Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu tư phát triển nhà cho biết, tỷ lệ giao dịch thành công ở các dự án cao cấp, giá từ 1.800 USD/m2 trở lên rất thấp, phân khúc này đang có nguy cơ khủng hoảng thừa. Thị trường chung cư cao cấp tại Hà Nội sẽ giảm giá do nguồn cung hiện tại đang quá nhiều. Tuy nhiên, giá bán căn hộ lại giảm rất chậm, vì chịu tác động từ yếu tố đầu cơ. Có nhiều khu vực tại Hà Nội, cách đây năm năm, giá bán căn hộ chỉ khoảng 6 triệu đồng/m2, nhưng hiện nay đang giữ giá là 35 triệu đồng/m2. "Với giá 6 triệu đồng mỗi mét vuông, chủ đầu tư có lãi khoảng một triệu đồng, khi trừ các chi phí. Giả sử mỗi năm trượt giá 20%, sau năm năm, giá căn hộ là 10 triệu đồng/m2. Như vậy là thực tế khách hàng hiện nay phải trả tới 35 triệu đồng/m2 cho một sản phẩm có giá trị thật là 10 triệu đồng/m2" - ông này phân tích.
TS Vũ Ðình
Anh, chuyên gia nghiên cứu khoa học về thị trường giá cả đánh giá, có
những phân khúc trong vòng một năm trở lại đây giá không biến động và
bây giờ hạ thì gọi là giảm giá. Thế nhưng, nhiều dự án giảm giá do một
thời gian tăng vô lý, nay giảm là chuyện bình thường. Hiện giá BÐS Việt
Nam chưa có cơ quan nào tính toán giá đó hợp lý hay không. Nếu giá BÐS
hiện hợp lý thì giá giảm 10%, thậm chí 2% thôi là đã có vấn đề. Còn nếu
là giá ảo thì bây giờ nó có giảm 10%, thậm chí 50%, vẫn chưa về giá trị
thực của nó.
Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc nghiệp vụ, bộ phận đầu
tư Công ty Savills Việt Nam nhận xét, trong bối cảnh hiện tại, phân khúc
trung và cao cấp lại "đắp chiếu", còn phân khúc nhà giá rẻ dưới 20
triệu đồng/m2 đang được nhiều người mua quan tâm. "Có thể coi đây là xu
hướng chủ đạo của thị trường BÐS thời gian tới. Vì tâm lý "liệu cơm gắp
mắm" của người tiêu dùng ngày càng được bộc lộ rõ rệt, đặc biệt trong
bối cảnh thị trường khó khăn như hiện nay. Chính vì lẽ đó, trong vòng
một năm tới, nhu cầu người mua sẽ chú trọng vào phân khúc bất động sản
có giá dao động từ 10 đến dưới 20 triệu đồng/m2, do hợp với túi tiền"
- ông Khương nói.
Thực tế, bản thân thị trường BÐS Việt
Nam vẫn méo mó, do đầu tư theo đám đông. Bản chất của thị trường BÐS là
không phải giảm giá, mà nó đang được điều chỉnh về đúng giá trị thực.
Ðể có cái nhìn trực diện hơn vào giá trị thực bất động sản, giúp người có nhu cầu tiếp cận được với giá gốc nhà ở, vào ngày 24 và 25-9 tới, lần đầu tiên tại Hà Nội có "Ngày hội mua nhà giá gốc" tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Ðình. Tại đây, các sản phẩm giao dịch bao gồm: chung cư, biệt thự, nhà liền kề, chung cư mi-ni, đất thổ cư, đất dự án... có đầy đủ tư cách pháp lý. Khách hàng sẽ được tiếp cận giá gốc theo quy định giao dịch BÐS của Nhà nước và được thẩm định bởi tiểu ban giám định thuộc Ban tổ chức. Cái đích thứ hai mà Ban tổ chức hướng tới là giúp các doanh nghiệp huy động vốn trong dân thông qua hình thức bán hàng trực tiếp tới người có "nhu cầu thực" trong bối cảnh biến động không tích cực của thị trường BÐS. Ban tổ chức hy vọng sẽ thực hiện được khoảng 1.000 giao dịch, thu hút 10.000 người có nhu cầu tham dự trong hai ngày diễn ra sự kiện trên.