Tuy nhiên, khi tham khảo trực tiếp tại các sàn, khách hàng mới ngã ngửa vì giá BĐS vẫn là "giá trên trời".
Hàng loạt căn nhà liền kề xây xong chưa có người ở tại Khu đô thị Vân Canh. Images: Hải Sơn
Giá tại sàn vẫn quá cao
Do thị trường BĐS trầm lắng kéo dài, gần đây, nhiều Sàn giao dịch đã phải đóng cửa, hoạt động cầm chừng, cắt giảm nhân sự. Mặc dù, nhiều chủ đầu tư đã công bố giảm giá, nhưng thực chất tại các sàn vẫn rao bán các sản phẩm có mức giá khá cao.
Trong vai một khách hàng, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã tìm đến một số Sàn giao dịch BĐS tại khu vực Xuân Phương - Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội). Tại sàn Hưng Phát, một nhân viên tên là Hưng giới thiệu các sản phẩm nhà đất mà các nhà đầu tư thứ cấp gửi bán. Anh Hưng cho biết, dự án khu đô thị chức năng Xuân Phương của Viglacera giá gốc từ 44 - 46 triệu/m2 (đã có hạ tầng), nhà đầu tư rao bán 50 - 52 triệu/m2. Dự án Vân Canh, giá gốc 29 - 30 triệu đồng/m2 (đã có hạ tầng), nhà đầu tư rao bán từ 39 - 50 triệu đồng/m2 (tùy vị trí).
Khảo sát tại Trung tâm giao dịch bất động sản Tây Đô Land, anh Nguyễn Duy Tô, Trưởng Phòng kinh doanh giới thiệu một số dự án mà trung tâm có. Theo anh Tô, cùng trên tuyến đường Xuân Phương có rất nhiều dự án, nhưng mỗi dự án đều có giá khác nhau. Khách hàng mua sẽ ký trực tiếp với chủ đầu tư và trả tiền chênh cho các nhà đầu tư thứ cấp. Giá anh Tô đưa ra cũng tương đương với giá của văn phòng Hưng Phát cung cấp.
Ngoài ra, tham khảo tại một số sàn khác tại khu vực huyện Hoài Đức, hầu hết các sàn tại đây đều rao bán các dự án của nhà đầu tư thứ cấp như: Bắc Quốc lộ 32, đã giảm giá còn 32 - 35 triệu/m2 (bao gồm hạ tầng), chủ đầu tư trước đó bán với giá hơn 10 triệu/m2; dự án Kim Chung - Di Trạch, từ 31 - 35 triệu/m2 (chưa có hạ tầng), giá gốc 17 triệu đồng/m2. Đại diện các sàn này cho biết, các dự án này chủ đầu tư đã bán hết từ lâu rồi, nay chỉ mua lại của nhà đầu tư thứ cấp thôi.
Khó mua
Trong quá trình tác nghiệp, khi trao đổi với những người có nhu cầu thực sự đang tìm mua nhà, đất để ở, mới thấy, nhiều người đều bất bình trước tình trạng bị “làm giá”. “Thấy nhiều sàn rao bán giảm giá các dự án, vợ chồng tính mua một căn liền kề tại khu vực Hoài Đức, nhưng tìm mãi vẫn không mua được. Được tư vấn là rẻ, nhưng khi nhà đầu tư yêu cầu đóng tiền cho chủ đầu tư và trả tiền chênh cho họ mới thấy giá vênh nhiều quá” - chị Phạm Như Hoa (Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) than thở.
Tương
tự như chị Hoa, anh Nguyễn Hữu Trung (xã Mỹ Đình, Từ Liêm) cũng rong
ruổi tìm mua dự án liền kề Nam QL 32 do Công ty Lũng Lô làm chủ đầu tư,
nhưng khi nhà đầu tư giới thiệu 27 triệu đồng/m2, giá gốc 17 triệu
đồng/m2, anh Trung mới thấy rằng sự thực không giảm nhiều như thông tin
đã rao. Anh Trung cũng đã gọi điện đến một số chủ đầu tư để hỏi mua
giá gốc, nhưng đều nhận được câu trả lời là đã hết hàng và chỉ còn sản phẩm mua lại của nhà đầu tư.
Rất nhiều người có nhu cầu thực đang đặt ra câu hỏi là những đối tượng như thế nào mới được mua giá gốc. Bởi việc tiếp cận giá gốc đối với những khách hàng có nhu cầu tiêu dùng vẫn rất khó. Hiện nhiều Sàn giao dịch BĐS, các nhà đầu tư thứ cấp rao hàng ồ ạt với thông tin hấp dẫn “giá gốc, ký trực tiếp với chủ đầu tư”, trong khi đó, ít có thông tin chủ đầu tư công bố bán giá gốc công khai ra thị trường. Như vậy, một lượng lớn BĐS vẫn đang nằm trong tay giới đầu tư.
Năm 2012 sẽ chứng kiến sự giảm giá hơn nữa của thị trường BĐS, nhất là các căn hộ chung cư cao cấp và các căn biệt thự, liền kề. Mặc dù hiện nay giá các sản phẩm này đã có giảm giá khá nhiều, nhưng nó vẫn chưa thể trở về với giá trị thực. Và để thị trường ấm lên, không ai khác chính là các chủ đầu tư và nhà đầu tư thứ cấp biết "lấy lòng" khách hàng có nhu cầu thực và những người có tích lũy tài chính. T.S Lê Đăng Doanh Chuyên gia kinh tế |