Thời điểm đầu năm 2011, tại nhiều khu vực ngoại thành Hà Nội, nhất là những nơi có tin đồn nhiều trường đại học, cao đẳng hay bệnh viện sẽ di dời, giá đất tăng vùn vụt từng ngày như ở Đông Anh, Sóc Sơn. Trong “cơn sốt” ảo đó, nhiều người đổ xô đi mua đất ngoại thành, thậm chí đất nông nghiệp cũng được chia lô để bán với giá cao. Tuy nhiên vài tháng trở lại đây, trong bối cảnh ảm đạm chung của thị trường bất động sản, gió đã đổi chiều, đất ngoại thành xuống giá thê thảm...
Thời điểm tháng 3/2011, khi giá đất ở một số nơi khu
vực ngoại thành Hà Nội lên “cơn sốt”, vợ chồng anh Đỗ Mạnh Hùng khi ấy
với lưng vốn kha khá do công sức đi xuất khẩu lao động ở Nhật về cũng
quyết tâm đầu tư mua một mảnh đất tại Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì có diện tích
50m2, ngõ vào rộng 3m, ôtô đỗ tận cửa, với giá 37 triệu/m2, bao gồm cả phí sang tên đổi chủ. Ngay sau khi mua xong được ít bữa đã có khách trả hơn 40 triệu, rồi lên đến 45 triệu/m2.
Theo như lời anh thì ngay cạnh mảnh đất anh mua là quy hoạch một khu đô
thị mới hiện đại chắc chắn giá còn tăng cao hơn rất nhiều, nên anh chị
quyết định không bán. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau, khi giá nhà đất
chững lại và xuống giá, lúc đó vợ chồng anh Hùng quyết định bán nhưng
không có ai trả giá hợp lý. Gần đây, khi công việc làm ăn không suôn sẻ,
vợ chồng anh quyết định rút hết về quê Nam Định để làm ăn, mặc dù đã
chấp nhận bán lỗ nhưng vẫn không thể nào bán nổi.
“Từ trước Tết tôi đã rao bán qua rất nhiều kênh từ ký gửi ở các trung tâm môi giới bất động sản, đến quảng cáo rao bán trên báo, trên mạng mà không có bất kỳ ai hỏi mua. Mua với giá 37 triệu/m2, trước Tết tôi đã rao bán với giá 30 triệu/m2, giờ ai mua với giá thấp hơn nữa tôi cũng sẵn sàng thương lượng, miễn sao bán được để thu tiền về”, anh Hùng than thở.
Đất ở khu vực ngoại thành đang rớt giá thê thảm.
Thời điểm khi đất ngoại thành lên cơn sốt, khi PV đi
tìm hiểu viết bài tại khu vực các xã Xuân Canh, Xuân Nộn, Vĩnh Ngọc
thuộc huyện Đông Anh, thì cảnh môi giới mua bán đất ở các khu vực này
hết sức tấp nập. Trong cơn sốt đó, đất ở những khu vực mặt đường rộng
được hét lên tới 60 triệu/m2, đến trong làng ngõ nhỏ cũng được chào bán với giá lên đến 25 triệu/m2.
Các xã này thuộc khu vực chân cầu Nhật Tân, lại được đồn đoán là có quy
hoạch đô thị, rồi trung tâm thương mại lớn này kia nên lúc đó giá đất
tăng chóng mặt hằng ngày. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại lại hết sức
đìu hiu.
Theo khảo sát, giá đất thời điểm này tại khu vực xã Xuân Canh ở mặt đường lớn đang được chào bán ở mức giá 35 triệu/m2 (đã giảm gần 50%), đất trong làng Xuân Canh trước được chào bán ở mức giá 23-25 triệu/m2 thì nay đang được chào bán với giá từ 14-17 triệu/m2 nhưng cũng không có khách hỏi mua.
Anh Nguyễn Văn Chiến, người đã mua mảnh đất mặt đường đê khu vực xã Xuân Canh (cách quy hoạch chân cầu Nhật Tân khoảng 1km) vẫn còn tiếc rẻ cho biết: “Cuối năm 2010, tôi đã phải mua với giá 30 triệu/m2. Cũng có lúc thấy người ta mua bán ầm ĩ tưởng đất còn lên nữa nên cứ tưởng mình mua giá vừa phải. Nếu để bây giờ mới mua thì chỉ khoảng 20 triệu/m2. Cầu Nhật Tân chưa biết khi nào mới xong nên giờ vẫn chưa thể xây nhà ở được vì không thể đi vòng thêm hơn 20km nên đành vẫn phải chấp nhận mỗi tháng mất mấy triệu tiền thuê nhà”