20/09/2011 4:01 AM
Nhận định về thị trường bất động sản, giáo sư Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường cho biết: “Thị trường này sẽ ấm lên vào khoảng quý II-2012. Đó là thời điểm lạm phát chỉ còn ở mức thấp, khi đó có thể nới lỏng tín dụng và nguồn tiền có thể đổ vào bất động sản”.
Ông Võ phân tích, bài toán kìm chế lạm phát hiện nay chưa có những giải pháp khiến nó có thể dứt điểm sớm. Ví dụ như vừa rồi, trần lãi suất được điều chỉnh xuống 14 % nhưng liệu có thể đạt được hiệu quả bằng một biện pháp hành chính không? Ông cho rằng điều này rất khó bởi lãi suất không cao có thể khiến những người đang gửi tiền sẽ rút ra. Hậu quả của việc này cần phải được tính tới. Ông nhấn mạnh, câu chuyện kìm chế lạm phát chưa thể giải quyết sớm trong năm nay. Chính vì vậy việc kỳ vọng thị trường bất động sản ấm lại cần phải chờ đến những ngày tháng tiếp theo của năm 2012.


Thị trường bất động sản chưa thể “ấm” lên

Giáo sư Đặng H ùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường


Cuối tháng 7-2011, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng công bố quyết định phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và khai trương cung Triển lãm Quy hoạch Quốc gia. Sau động thái này, thị trường bất động sản vẫn hết sức trầm lắng. Điều này trái ngược hẳn với thời điểm giữa năm 2010 khi quy hoạch xây dựng Hà Nội được đưa ra lấy ý kiến người dân. Lúc đó, thị trường bất động sản thực sự đã có sự bùng nổ. Giao dịch chuyển nhượng trở nên sôi động, giá đất có nơi tăng gấp hai, gấp ba lần, đặc biệt là khu vực phía tây Hà Nội. Lý giải điều này, tại Hội nghị quy hoạch Hà Nội - tiềm năng phát triển thị trường bất động sản (BĐS) do Hội Quy hoạch Đô thị Việt Nam tổ chức ngày cuối tuần trước, giáo sư Đặng Hùng Võ phân tích: Bài toán cần xử lý hiện nay là kìm chế lạm phát đã gây ra tác động đương nhiên đối với thị trường bất động sản. Thị trường bất động sản kém giao dịch do những nhà đầu tư nhỏ lẻ đang chờ đợi còn các nhà đâu tư lớn thì thiếu vốn. Chính vì vậy mức độ tập trung của các nhà đầu tư cũng như của người tiêu dùng vào quy hoạch Hà Nội mới chưa nhiều bởi người ta chưa nhìn thấy lợi ích gần nhất có thể đạt được. Bên cạnh đó, quy hoạch lần này được làm rất công khai, minh bạch, lấy ý kiến và xem xét rất thấu đáo. Tính lạ lẫm đối với thông tin không có nên không gây nên những làn sóng và người đi lướt sóng đầu tư nhất thời. Ông nhận định, chắc chắn quy hoạch này sẽ có tác động và là tác động rất lớn đến thị trường bất động sản tuy nhiên không phải trong giai đoạn trước mắt mà cần phải chờ đợi thêm một thời gian nữa.

Đánh giá về thị trường bất động sản thành phố Hồ Chí Minh, ông Đặng Hùng Võ đưa ra nhận xét, giá nhà đất ở TP.HCM thấp hơn nhiều so với Hà Nội. Thị trường ở đây tiếp cận gần hơn với người mua. Theo ông, dù giá nhà đất ở TP.HCM đã giảm trong một thời gian dài nhưng vẫn chưa tới đáy; trừ đi tiền đất, tiền xây dựng, tiền bán hàng… với giá đó nhà đầu tư vẫn có lãi.


Phân tích về thời điểm đầu tư vào bất động sản ở Hà Nội, ông Đặng Hùng Võ khẳng định, ở một số nơi nào đó ngoài Hà Nội thì cũng có thể gọi là bắt đáy nhưng Hà Nội thì chắc là chưa. Quyết định mua lúc này phụ thuộc vào việc vốn tự có hay vốn đi vay. Nếu tính đến chuyện vay vốn mua bất động sản lúc này, nhằm tới thời cơ sinh lợi thì chắc là chưa phải, nếu có vốn dự trữ thì việc tìm kiếm một chỗ ở tương lai hoặc giữ bất động sản đó trong thời gian dài hơi cũng có thể tính đến được.

Ngọc Anh – Kim Ngân (CATP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.