Ðầu cơ lớn, giá đất giảm chậm nên giá nhà giảm chậm, là lực cản để thị trường bất động sản có thể trở về mức cân bằng giữa nhu cầu thực và khả năng thanh toán. Với đà này, dự báo thị trường bất động sản chưa thể phục hồi trong năm nay.

Những ngày gần đây, thị trường bất động sản Hà Nội đón nhận thông tin về hai dự án mới. Ngày 22-2, Tân Hoàng Minh và Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội chính thức công bố dự án tòa tháp căn hộ hạng sang D’Palais de Louis, trên đường Nguyễn Văn Huyên (Hà Nội), đối diện Công viên Nghĩa Ðô. Ðây là dự án có lối kiến trúc mang phong cách hoàng gia Pháp của triều đại vua Louis XIV. Tòa tháp này là nơi đầu tiên ở Hà Nội xây dựng bốn tầng hầm để xe, đáp ứng 325 chỗ đậu ô-tô và 284 xe máy, được thiết kế có độ dốc 3,5%, cho phép ô-tô có thể dừng đỗ tại bất cứ vị trí nào. Mặc dù các mức giá bán căn hộ chưa được chủ đầu tư cung cấp, tuy nhiên một số nguồn tin cho rằng mức giá tối thiểu sẽ từ 100 triệu đồng/m2 trở lên.


Vài ngày sau, Công ty Xây dựng số 1 Lai Châu thông báo, hiện công ty đang triển khai dự án Ðại Thanh (huyện Thanh Trì) với tổng diện tích 17 ha. Dự kiến, dự án này sẽ hoàn thiện vào năm 2016, với sản phẩm chủ yếu là căn hộ diện tích từ 40 - 60 m2 và được bán với giá từ 14 - 15 triệu đồng/m2 (đã có VAT).


Dẫu còn có những ý kiến bàn luận quanh hai dự án trên, nhưng thị trường nhà đất hiện nay vẫn rất trầm lắng. Nhiều nhà đầu tư bán tháo để cắt lỗ cũng không có khách mua là chuyện có thật. Giá đất khu vực trục đường Lê Trọng Tấn kéo dài, Lê Văn Lương kéo dài thuộc quận Hà Ðông đã giảm khoảng 10 - 15% tùy vị trí. Còn "điểm nóng" hồi cuối năm 2010 và đầu năm 2011, là Ðông Anh, giá đất cũng đang "rớt" mạnh. "Cứ tình hình này, tôi không biết phải xoay thêm cửa nào nữa để trả tiền lãi ngân hàng" - một nhà đầu tư nói. Theo nhà đầu tư này, vụ "ôm" đất của ông hồi đầu năm 2011, đến nay lỗ một phần ba. Ông mua một mảnh đất tại Nam Hồng giá 45 triệu đồng/m2 (thời điểm tăng "nóng" đầu năm 2011). Nhưng nay giá đất tại đây chỉ còn khoảng 30 triệu đồng/m2.


Nhận xét về thị trường bất động sản, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia TS Lê Xuân Nghĩa cho biết: Khuynh hướng thị trường bất động sản Việt Nam sẽ theo các thị trường châu Á, giá có thể giảm thời gian dài nhưng ở trạng thái nghỉ ngơi chờ một làn sóng đầu tư mới. Nguyên nhân chính làm cho giá bất động sản trong năm qua giảm mạnh, theo tôi, chủ yếu do chính sách tiền tệ bị thắt chặt, đồng thời do nguồn cung dư thừa, dẫn đến vài phân khúc ứ đọng, buộc nhà đầu tư phải bán giảm giá. Tuy nhiên, đó chỉ là nhỏ lẻ, còn cái khó chung của thị trường chính là do tác động của chính sách tiền tệ chứ không phải do bị "xả hàng".


Nếu ngược thời gian sẽ thấy, trong giai đoạn 2007 - 2009, với sự trợ lực lớn của cung về vốn đã làm cho cầu đầu tư bất động sản tăng quá nhanh, đẩy giá nhà đất lên quá cao chỉ trong thời gian ngắn. Chính lợi nhuận lớn từ bất động sản đã tạo nên phong trào đầu tư vào lĩnh vực này càng làm cho cung tăng mạnh sau 2 - 3 năm tích lũy. Ðến năm 2011, cung vốn giảm đột ngột, làm cho cầu đầu tư biến mất. Giá bất động sản sụt giảm là lẽ tất nhiên theo quy luật, vì không còn sức kéo của cầu đầu tư trong khi "cầu thật" thấp do sản phẩm hiện tại không phù hợp với nhu cầu. Dự báo, thị trường tiếp tục ảm đạm và kéo dài, cộng với việc các chủ đầu tư (cả thứ cấp) thanh lý số sản phẩm tồn đọng sẽ khiến thị trường xác lập một mức giá mới.

Theo Nhân dân
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.