Trong bối cảnh các doanh nghiệp thiếu vốn trầm trọng, nguồn vốn ngoại được kỳ vọng là một luồng gió mới có thể làm tan băng thị trường bất động sản (BĐS) hiện nay. Tuy nhiên, vốn ngoại lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ mà nếu không kiểm soát được, thị trường BĐS rất dễ bị rơi tiếp vào một vòng xoáy nữa. đó là vấn đề được nêu ra tại hội thảo giải pháp tổng thể cho thị trường BĐS 2012 do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức ngày 28-3 tại Hà Nội.

Theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc bộ phận đầu tư của Công ty Savills Việt Nam, từ cuối năm 2011 đã có rất nhiều dự án BĐS được thương thảo chuyển nhượng cho các nhà đầu tư nước ngoài. Nếu thương thảo thành công, cuối năm 2012 sẽ có hàng loạt dự án BĐS chính thức thay ngôi đổi chủ. Mặc dù việc chuyển nhượng, sáp nhập dự án ít được công khai và phần công khai cũng chỉ là phần nổi của tảng băng nhưng rõ ràng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang được coi là lối thoát cho một số doanh nghiệp BĐS trong nước trong bối cảnh gặp khó khăn nghiêm trọng về vốn.



Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Nidec Tosok trong KCX Tân Thuận. Ảnh: CAO THĂNG


Theo các chuyên gia BĐS, vốn FDI tập trung nhiều vào lĩnh vực xây dựng và BĐS là phù hợp với nhu cầu đất nước và với chính sách khuyến khích FDI của Chính phủ. Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 vừa được Chính phủ phê duyệt đặt mục tiêu đến năm 2015 diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt khoảng 22m² sàn/người, cả nước phấn đấu mỗi năm thu hút đầu tư xây dựng mới 100 triệu m² sàn trong khi hiện tại diện tích nhà ở bình quân nước ta mới khoảng 17m2/người, điều này đã thể hiện rõ vấn đề nguồn cung BĐS tại Việt Nam vẫn còn rất thiếu. Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ là yếu tố quan trọng giúp giải quyết bài toán nan giải về vốn đầu tư và góp phần kích thích thị trường đang trì trệ hiện nay cũng như tạo thêm nguồn cung BĐS phục vụ nhu cầu xã hội.


Tuy nhiên, thực tế tình hình đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này cũng đang bộc lộ nhiều bất cập. Theo ghi nhận của các chuyên gia BĐS, tình trạng dự án đăng ký là vốn nước ngoài nhưng khi thực hiện chủ đầu tư lại huy động vốn trong nước là chủ yếu đã gây thêm tình trạng căng thẳng về vốn cho các dự án khác. Bà Châu Thị Thu Nga (Hiệp hội Bất động sản Việt Nam) cho biết: “Trong bối cảnh suy thoái toàn cầu, các nhà đầu tư nước ngoài nhìn chung không có sẵn nguồn vốn đủ lớn để triển khai toàn bộ dự án mà phải gõ cửa các ngân hàng trong nước và thông qua hình thức góp vốn từ các nhà đầu tư trong nước. Thực trạng này làm thay đổi bản chất của các dự án FDI, nhất là trong việc cạnh tranh huy động các nguồn vốn nội địa”.


Một thực tế khác cũng được các chuyên gia BĐS ghi nhận, đó là một số doanh nghiệp FDI đăng ký dự án đầu tư lớn, hưởng nhiều cơ chế ưu đãi nhưng lại chậm triển khai dự án, chậm giải ngân vốn đầu tư dẫn đến hiệu quả và chất lượng của dự án chưa cao. Ở nhiều địa phương, doanh nghiệp nước ngoài được cấp diện tích đất rất lớn, có giá trị rất cao nhưng địa phương lại không kiểm soát được tình trạng chia lô, bán nền, chuyển nhượng dự án. Đó là chưa kể các dự án FDI công bố giá bán, giá cho thuê cao nhưng lại báo cáo kết quả kinh doanh thấp, thậm chí lỗ liên tục nhiều năm liền…


Chính vì vậy, các ý kiến tại hội thảo đều đề xuất Nhà nước cần có thêm những chính sách để tháo gỡ nguồn vốn cho thị trường. Ông Trần Kim Chung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, nhấn mạnh, để thúc đẩy thị trường BĐS cần đẩy nhanh tiến độ các chính sách và công cụ tài chính như Quỹ tín thác BĐS, Quỹ tiết kiệm BĐS... Bên cạnh đó, cần kiểm soát chặt chẽ việc giải ngân nguồn vốn FDI trong lĩnh vực BĐS để đảm bảo tính công bằng giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo SGGP
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland