Công ty CP Thép Nam Kim (Mã: NKG) vừa gửi công văn đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) giải trình về việc giá cổ phiếu NKG giảm sàn 5 phiên liên tục.
Cổ phiếu giảm sàn 5 phiên liên tiếp, Thép Nam Kim khẳng định "nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty"
Thời gian qua, cổ phiếu NKG của Thép Nam Kim đã liên tục bám sàn, mất tới 80% so với mức đỉnh được thiết lập hồi tháng 3/2022.
Tình trạng mất thanh khoản, dư bán sàn diễn ra tới 6 phiên liên tục và kéo dài sang cả hôm nay (ngày 14/11). Hiện cổ phiếu NKG đang giao dịch ở mức 7.950 đồng/cổ phiếu.
Lý giải việc giá cổ phiếu giảm sàn liên tục những phiên gần đây, Thép Nam Kim cho biết, cổ phiếu NKG được niêm yết và giao dịch công khai, minh bạch trên HoSE, giá mua bán cổ phiếu hiện nay bị tác động với nhiều điều kiện kinh tế vĩ mô.
Thép Nam Kim cho rằng, giá cổ phiếu giảm 5 phiên liên tiếp nằm ngoài tầm kiểm soát của Công ty, bởi vì việc mua bán cổ phiếu phụ thuộc vào thị hiếu và tâm lý của nhà đầu tư.
Cổ phiếu NKG của Thép Nam Kim đã liên tục bám sàn, mất tới 80% so với mức đỉnh được thiết lập hồi tháng 3/2022
Về tình hình sản xuất kinh doanh, Thép Nam Kim vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022 với doanh thu giảm đến 41% so với cùng kỳ xuống còn 4.424 tỷ đồng. Do giá vốn tăng cao, doanh nghiệp này báo lỗ ròng 419 tỷ đồng, đây là khoản lỗ lớn nhất mà Công ty từng ghi nhận trong một quý kể từ khi hoạt động.
9 tháng đầu năm, Thép Nam Kim ghi nhận doanh thu đạt 18.771 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 290 tỷ đồng, lần lượt giảm 3,2% và 83,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước đó, HoSE có văn bản gửi một loạt công ty có niêm yết cổ phiếu trên HoSE, đề nghị các công ty này giải trình việc cổ phiếu đã giảm sàn 5 phiên liên tục từ ngày 4-10/11.
Theo quy định, HoSE sẽ yêu cầu tổ chức niêm yết báo cáo, công bố các thông tin liên quan có ảnh hưởng đến biến động giá cổ phiếu trong vòng 24 giờ kể từ khi giá cổ phiếu tăng trần hoặc giảm sàn từ 5 phiên liên tiếp trở lên.
Chung cảnh ngộ với Nam Kim, một loạt các ông lớn bất động sản lớn như CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR), CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (NVL) hay Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG) cũng được yêu cầu giải trình về việc cổ phiếu giảm sàn.
Trong số các doanh nghiệp trên, DIG là cái tên đáng chú ý khi lãnh đạo và người có liên quan liên tiếp phải bán giải chấp cổ phiếu và nhiều công ty chứng khoán đồng loạt hạ tỷ trọng cho vay ký quỹ trong bối cảnh giá cổ phiếu này liên tiếp sụt giảm.
Theo đó, thị giá DIG đã sụt giảm tới 86% từ mức đỉnh 98.000 đồng/cổ phiếu vào tháng 1/2022, hiện chỉ còn 12.500 đồng/cổ phiếu.
-
Cổ phiếu HPG rớt 71% từ đỉnh, Chủ tịch Hòa Phát không còn là tỷ phú USD
Cổ phiếu Hòa Phát liên tục rớt giá khiến tài sản của Chủ tịch Trần Đình Long giảm từ 3,2 tỷ USD hồi đầu năm xuống còn 938 triệu USD, không còn nằm trong danh sách tỷ phú USD của Forbes.
-
Hãng thép 50 năm tuổi tại miền Nam huy động thêm vốn từ cổ đông để xây nhà máy tại Đồng Nai
Doanh nghiệp này sẽ dùng toàn bộ nguồn tiền mới để đầu tư dự án sản xuất thép cán xây dựng, bổ sung công đoạn luyện phôi thép công suất 150.000 tấn sản phẩm/năm tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 - Nhơn Phú, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai....
-
Một “ông lớn” ngành thép bất ngờ được dự báo lợi nhuận tăng tới 1.600% trong năm 2024
Năm 2024, doanh nghiệp này được dự báo lợi nhuận tăng cao tới 1.600% nhờ mức nền thấp năm ngoái, đạt mức 510 tỷ đồng.
-
Các nhà sản xuất thép lớn trong nước có thể giành thêm thị phần nhờ vụ điều tra bán phá giá thép Trung Quốc
Năm 2025, MBS cho rằng thị phần của các doanh nghiệp thép lớn trong nước có thể cải thiện nhờ sự đóng góp của thuế. chống bán phá giá.