Vào khoảng 18h tối qua (2/11), hàng trăm chủ nợ đã dùng búa, cưa đập cửa kính, lấy đi các tài sản quý giá của con nợ Nguyễn Hồng Hảo tại số 5 Nguyễn Thái Học, phường Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội.
Chủ nhân của ngôi nhà trên là vợ chồng Nguyễn Thị Dậu và
Nguyễn Hồng Hảo. Xuất phát điểm vụ việc là do rất nhiều chủ
nợ đã cho vợ chồng này vay nợ tín dụng đen với tổng số tiền
ước khoảng gần 200 tỷ đồng.
Ngôi nhà của vợ chồng Nguyễn Thị Dậu và Nguyễn Hồng Hảo đã bị phá nát
Ngày 27/9, hàng chục chủ nợ cho vợ chồng Nguyễn Thị Dậu vay
tiền đã viết đơn tố cáo đến cơ quan công an việc Dậu vay một
số lượng tiền lớn và mất khả năng thanh toán. Sau khi tiếp
nhận đơn của người dân, công an phường Quan Trung và quận Hà Đông
đã mời bà Dậu đến làm việc và bà đã thừa nhận việc thiếu
nợ cả trăm tỷ đồng.
Khi cơ quan công an chưa đưa ra kết luận cuối cùng, vì lo lắng
nên rất nhiều chủ nợ đã thay phiên nhau canh 24/24 nhà bà Dậu
để đề phòng vợ chồng bà bỏ trốn. Những người này không chỉ gom
tiền mua khóa, dây xích thậm chí còn đổ bê tông cửa nhà bà Dậu.
Tuy nhiên, không hiểu lý do gì, đối tượng Nguyễn Hồng Hảo đã trốn thoát
khỏi nhà sớm 2/11. Điều này khiến hàng trăm chủ nợ bức xúc và ồ ạt kéo
đến để thu đồ trừ nợ.
Theo nguồn tin của phóng viên, bà Dậu huy động lãi suất cao
mức 3.000 đồng/triệu/ngày của rất nhiều người dân để kinh doanh
bất động sản và vàng. Sau khi bị công an quản thúc, bà Dậu đã
liên lạc với một số chủ nợ để thanh toán, tuy nhiên bà Dậu đưa
ra mức người cho vay 1 tỷ đồng sẽ chỉ nhận được 80 triệu
đồng. Thậm chí, Dậu còn thỏa thuận chiếc xe máy Piaggo LX có
trị giá gần 100 triệu đồng nếu người nào chấp nhận xóa nợ
với giá 400 triệu đồng được mang xe về
Đây chỉ là một trong hàng trăm vụ vỡ nợ được "phanh phui" trong
thời gian gần đây. Đầu tiên là vụ vỡ nợ ở Cầu Giấy với quy mô hơn 500 tỷ
đồng, sau đó là Đan Phượng khoảng 300 tỷ đồng, Phú Xuyên khoảng 400 tỷ
đồng, Hà Đông gần 200 tỷ đồng, gần đây nhất là vụ vỡ nợ tại Bắc Ninh lên
tới hàng nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý, hầu hết các "con nợ" lớn như Nguyễn
Thị Minh Tâm (Bắc Ninh), Nguyễn Thị Cúc (Phú Xuyên), vợ chồng Quang
Quyên (thị trấn Phùng)... đều được xếp vào hàng đại gia BĐS tại Hà Nội.
Theo nguồn tin Cơ quan CSĐT, lý do mà các con nợ vướng vào vòng lao lý
là do thị trường BĐS gặp khó khăn, lượng hàng mua không bán được trong
khi các khoản lãi vay tín dụng đen bị đội lên từng ngày.
Theo tìm hiểu của phóng viên, lãi suất trên thị trường tín dụng đen
khá đa dạng và phong phú. Từ “hữu nghị” chỉ 4,5%/ tháng, tương ứng 54%/
năm (gấp 3 – 4 lần ngân hàng) như những năm trước đây đã được đẩy lên
tới 10.000 đồng/triệu đồng/ngày, tương đương với 360%/năm tại một số
thời điểm của năm 2011. Thậm chí, ở Hà Nội, cho vay với lãi suất siêu
khủng lên tới 30 – 40%/tháng, tức là 360 – 480%/năm (gấp 20 – 30 lần lãi
suất ngân hàng). Nhưng phổ biến hơn cả vẫn là mức 5.000 – 6.000
đồng/triệu đồng/ngày, tương đương 200%/năm, cao gấp hàng chục lần lãi
suất chính thức của bất kỳ ngân hàng nào.
Đáng lưu ý, có không ít
trường hợp do không có kênh tiếp cận trực tiếp nên đã buộc phải cầu
viện đến các kênh trung gian để tiếp cận nguồn vốn tín dụng đen và phải
chịu mức lãi suất lớn hơn rất nhiều, có khi cao thêm tới 2 – 3 lần lãi
suất gốc… của thị trường tín dụng đen.
TS Nguyễn Minh Phong - Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế Xã hội Hà
Nội nhận định, trong thời gian tới tín dụng đen sẽ còn rộ lên nữa. TS
Phong cũng đưa ra lời khuyên, để thị trường BĐS bớt rủi ro Nhà nước cần
có quy hoạch rõ ràng cùng với thông tin rõ ràng liên quan quy hoạch. Bên
cạnh đó cần minh bạch về cơ chế dành cho các dự án nhà ở, các dự án BĐS
khi người dân nắm rõ được thông tin thì họ sẽ có quyết định hợp lý hơn.
Điều cuối cùng là các thông tin liên quan giá cả do nhà nước quy định,
giá cả trên thực tế để người dân cân nhắc... cũng cần được làm rõ.