06/03/2023 10:04 AM
Sau khi HNX điểm mặt 34 doanh nghiệp bất động sản - xây dựng khất nợ trái phiếu, danh sách này ngày càng nối dài với nhiều cái tên mới.

Mới nhất, Công ty Đầu tư và dịch vụ Đất Xanh Miền Nam là trường hợp mới nhất khi thông báo chậm thanh toán lãi hai kỳ liên tiếp hơn 3 tỷ đồng vào chiều 3/3 do chưa thu xếp kịp nguồn tiền.

Công ty Đầu tư An Khải Hưng đáo hạn lô trái phiếu 180 tỷ đồng vào giữa tháng trước nhưng chỉ trả đủ lãi, trong khi nợ gốc còn 178 tỷ đồng với lý do tương tự.

Hưng Thịnh Land cũng đề nghị các nhà đầu tư gia hạn thanh toán gốc trái phiếu 1.000 tỷ đồng đáo hạn ngày 7/3/2023 thêm một năm. Tổ chức phát hành sẽ trả lãi suất và phí hỗ trợ áp dụng từ ngày 8/3/2023 đến ngày thanh toán thực tế là 13,685% (đã bao gồm thuế).

Trước đó Công ty địa ốc No Va (Novaland) cũng thông báo chậm thanh toán nợ gốc 1.000 tỷ đồng và tiền lãi 53 tỷ đồng cho lô trái phiếu được phát hành giữa tháng 10/2021. Bất động sản Gia Phú, công ty con của Novaland, cũng khất tiền lãi trái phiếu hơn 3 tỷ đồng. SeaSide Homes, một doanh nghiệp liên quan đến dự án của Novaland ở Phan Thiết, cùng thời gian này thông báo chậm thanh toán lãi trái phiếu hơn 51 tỷ đồng.

Danh sách doanh nghiệp bất động sản khất nợ trái phiếu ngày càng nối dài với nhiều cái tên mới.

Trong thư gửi các bên cho vay của Novaland gồm các tổ chức tài chính trong nước và ngoài nước, Chủ tịch HĐQT Novaland Bùi Thành Nhơn nói rằng Novaland đã bằng hết khả năng của mình nỗ lực, áp dụng mọi biện pháp để giữ uy tín đối với khách hàng, trái chủ, các bên cho vay, nhà thầu và nhà cung cấp. Nhưng trong điều kiện các tài khoản tiền mặt của các dự án của Novaland đang bị tạm khóa tại các ngân hàng, nên Novaland không thể thực hiện thanh toán theo kế hoạch.

Trong bối cảnh bất khả kháng và nằm ngoài kiểm soát của công ty, đại diện doanh nghiệp mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ và đồng hành để vượt qua được khó khăn thử thách trong ngắn hạn.

Trong báo cáo mới đây, Công ty chứng khoán VNDirect đánh giá, việc nhiều tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã thông báo chậm trả lãi, làm dấy lên lo ngại về thanh khoản. Công ty chứng khoán ước tính khoảng 23.000 tỷ đồng trái phiếu từ các tổ chức này sẽ đáo hạn trong 2023, trong đó có 90% đến từ các doanh nghiệp bất động sản.

Những lo ngại về năng lực thanh toán ngày càng tăng khi một số vụ bắt giữ liên quan đến các vi phạm trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp và sử dụng vốn không đúng mục đích của một số nhà phát triển bất động sản lớn.

Bên cạnh đó, niềm tin của nhà đầu tư cá nhân vào trái phiếu doanh nghiệp đã suy giảm xuống mức rất thấp, thể hiện thông qua việc nhiều nhà đầu tư đã vội vàng bán trái phiếu của bất kỳ tổ chức phát hành nào bằng mọi giá để thu tiền về tiền mặt.

Theo nghiên cứu thị trường của VNDirect, hiện một số trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được giao dịch với mức 4-5% thấp hơn mệnh giá, với mức lợi suất khoảng 10% - 12%/năm, có nghĩa là người bán sẵn sàng chấp nhận với mức chiết khấu 14% - 17%.

Đơn vị xếp hạng tín nhiệm FiinRatings cho rằng, niềm tin vào kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp vẫn cần thời gian để khôi phục sau các dự kiện vi phạm trong năm trước cũng như rủi ro vi phạm nghĩa vụ nợ đang gia tăng trong bối cảnh hiện nay, nhất là với trái phiếu bất động sản.

FiinRatings dự báo kênh huy động trái phiếu doanh nghiệp sẽ chưa thể hồi phục về quy mô một cách mạnh mẽ và sôi động cho đến hết nửa đầu năm 2023.

Dự báo này dựa trên hai cơ sở chính là môi trường lãi suất sẽ cần thời gian để giảm để kênh trái phiếu trở lên hấp dẫn trở lại so với các kênh đầu tư thay thế khác, đặc biệt so với lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng và các sản phẩm như chứng chỉ tiền gửi. Bên cạnh đó, các biện pháp chính sách can thiệp qua tín dụng ngân hàng, tháo gỡ pháp lý bất động sản và trực tiếp cho trái phiếu doanh nghiệp hiện nay vẫn đang trong giai đoạn trao đổi và thiết kế.

“Trong trường hợp được triển khai từ quý 2 năm 2023, hoạt động huy động trái phiếu doanh nghiệp có thể có cơ hội bắt đầu hồi phục từ đầu quý 3/2023”, đơn vị này dự báo.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.