Nhu cầu có thực…
Luật Đất đai 2003 không cho phép thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại ngân hàng ở nước ngoài để đảm bảo chủ quyền quốc gia. Tuy nhiên, cùng với tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của nền kinh tế, nhiều ý kiến cho rằng, cần “mở cửa” đối với vấn đề sử dụng đất làm tài sản thế chấp tại ngân hàng ở nước ngoài. Chính vì vậy, ngày 24/7/2012, NHNN Việt Nam đã tổ chức Hội thảo: "Thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại ngân hàng ở nước ngoài" với sự tham gia của các chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực đất đai, ngân hàng... Qua đó, đưa ra những kiến nghị, đề xuất để làm sao vừa tháo gỡ khó khăn cho DN nhưng vẫn đảm bảo thuận lợi cho việc quản lý đất đai của Nhà nước.
Các TCTD trong nước có thể bảo lãnh để DN vay vốn ở nước ngoài (Ảnh: ĐK)
Xoay quanh vấn đề này, rất nhiều ý kiến cho rằng, nên “mở” nhưng phải ràng buộc các điều kiện cực kỳ chặt chẽ. Bởi theo ông Nguyễn Đình Quang - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, hiện nền kinh tế còn thiếu vốn, cần có vốn cho phát triển, vì vậy cần tạo điều kiện cho DN có dự án khả thi, có hiệu quả, có khả năng trả nợ được thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất để vay vốn tại ngân hàng ở nước ngoài... Tuy nhiên, phải tuân thủ những điều kiện hết sức cụ thể và nghiêm ngặt chứ không phải dự án nào cũng cho vay. “Việc thống nhất chủ trương về mặt hướng đi cho các DN khi thực hiện sẽ đảm bảo các giao dịch thông suốt, rõ ràng minh bạch”, ông Quang nhấn mạnh.
Đồng tình quan điểm này, bà Trần Thị Hồng Hạnh – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng cho biết, hiện nhu cầu vốn của các DN Việt Nam hoạt động ở nước ngoài khá lớn nhưng tài sản đảm bảo ở nước ngoài rất ít. Do đó, đối tượng này muốn dùng tài sản ở Việt Nam để đảm bảo cho khoản vay ở nước ngoài. Theo bà Hạnh đây cũng là nhu cầu thực tế của nền kinh tế khi mở cửa, giao lưu thương mại với thế giới. Vấn đề là phải làm sao làm sao để vừa đáp ứng nhu cầu thực tế trên song vẫn đảm bảo chủ quyền đất nước về đất đai. Muốn vậy cần có giải pháp linh hoạt. Ví như người ở Việt Nam có thể thông qua bảo lãnh đối ứng tức là người có đất đai yêu cầu ngân hàng bảo lãnh cho người vay ở nước ngoài. Làm như vậy vừa xử lý đất đai ở trong nước nhưng đồng thời đáp ứng được nhu cầu vốn cho các DN nước ngoài.
…Song cần thận trọng
Theo ông Đào Xuân Tuấn - Phó vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, NHNN: “Là nơi xét duyệt đăng ký khoản vay của DN Việt Nam vay nợ ở ngân hàng nước ngoài, chúng tôi nhận thấy, đây là vấn đề vừa cấp bách nhưng cũng vừa nguy hiểm. Hiện nhiều ngân hàng ở nước ngoài chỉ cho vay nếu DN có tài sản thế chấp là đất đai. Thế nhưng Luật Đất đai lại không cho phép DN thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền tại ngân hàng ở nước ngoài. Thực tế này cũng sẽ hạn chế luồng vốn cho DN Việt Nam làm ăn chân chính, có điều kiện trả nợ. Bởi ngoài đất đai, DN Việt Nam không có tài sản giá trị nào tin cậy hơn để ngân hàng nước ngoài chấp nhận cho vay. Tuy nhiên, ở góc độ khác chúng ta nhận thấy thực tế là hoạt động này cũng khá rủi ro. Bởi khi DN không hoạt động hiệu quả, việc thế chấp tài sản như vậy sẽ gây khó cho vấn đề quản lý đất đai. Do vậy, nếu "mở" cũng phải hết sức thận trọng. Chỉ nên thí điểm những dự án đặc biệt quan trọng đối với một số lĩnh vực nào rất cụ thể…”.
Nếu DN không đủ điều kiện để các TCTD trong nước bảo lãnh thì cũng khó vay vốn ở trong nước chứ chưa nói gì đến vay nước ngoài. (Ảnh: KĐK)
Cũng với hướng như vậy song có phần “mở” hơn, ông Phạm Quang Tùng - Phó tổng giám đốc BIDV đề xuất, chỉ nên cấm thế chấp với những tài sản đất nhạy cảm. Còn trong trường hợp người vay không thanh toán được cũng có cách xử lý. Đó là, ủy thác qua TCTD trong nước đứng ra xử lý hoặc cho phép tổ chức nước ngoài thực hiện phát mãi tài sản để thu hồi vốn song chỉ giới hạn đối với đối tượng nhận chuyển nhượng tài sản và quyền sử dụng đất là những đối tượng được phép theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Thừa nhận nhu cầu thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền tại ngân hàng ở nước ngoài phát sinh trong thời gian gần đây và nhu cầu thực tế, nhưng Phó thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình cho rằng, vấn đề này cần phải xem xét nghiên cứu một cách thận trọng. Nếu có chủ trương "mở" thì những điều kiện ràng buộc phải rất chặt chẽ.
Phó vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ (NHNN) Đỗ Thị Nhung: Cần nghiên cứu kỹ lưỡng Trên thực tế, nhu cầu thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền tại ngân hàng ở nước ngoài có phát sinh. Tuy nhiên theo tôi đây không phải vấn đề bức xúc cần giải quyết một cách quyết liệt. Vì pháp luật chưa cho phép thực hiện điều này và trong thực tế việc vay vốn nước ngoài chia ra làm 2 cấu phần: công và tư nhân đều có những hình thức xử lý khác. Với khu vực công đã được Chính phủ bảo lãnh, còn khu vực tư nhân cũng được ngân hàng bảo lãnh vay vốn. Còn nếu như DN không đủ điều kiện bảo lãnh thì đương nhiên việc vay vốn của DN cả trong nước lẫn nước ngoài đều khó chứ không riêng vướng mắc tài sản. Còn dưới góc độ nhà quản lý, vấn đề này khá nhạy cảm liên quan chủ quyền quốc gia. Vì đây là giao dịch có yếu tố nước ngoài nên việc xử lý cần cân nhắc nghiên cứu kỹ cả luật pháp nước ngoài và vấn đề quan hệ yếu tố nước ngoài với Việt Nam. Hơn thế, việc mở cơ chế này có thể sẽ làm tăng nợ quốc gia, cũng như gây khó khăn cho việc quản lý. |