10/09/2019 8:56 AM
CafeLand - Vụ hoả hoạn xảy ra tại Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông mới đây đã để lại hậu quả rất lớn cho doanh nghiệp và các hộ dân lân cận. Sau vụ việc này, một vấn đề được đặt ra là tại sao đã có chủ trương từ lâu nhưng đến nay, công tác di dời các nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp ra khỏi nội đô vẫn giậm chân tại chỗ? Để có cái nhìn rõ hơn, CafeLand đã có cuộc trao đổi với KTS. Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát tr

CafeLand: Thưa ông, từ vụ cháy tại nhà máy của Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông vừa qua, ông đánh giá như thế nào về công tác di dời nhà máy, KCN ra khỏi nội đô hiện nay?

KTS. Đào Ngọc Nghiêm: Chủ trương di dời các cơ sở công nghiệp và các trường đại học không phù hợp ra khỏi nội đô đã được Hà Nội lên kế hoạch từ năm 1992, sau khi quy hoạch chung được duyệt. Trong đó, di dời các cơ sở công nghiệp là một trong các vấn đề trọng tâm thời điểm này.

Điển hình như bảy khu công nghiệp lớn như Phân Lân Văn Điển (huyện Thanh Trì), khu Cao su – Xà phòng – Thuốc lá (quận Thanh Xuân) thành phố đã có quy hoạch phát triển mới, tạo điều kiện để các nhà máy di dời và đặt ra vấn đề chỉ giữ lại cơ sở văn phòng chứ không có chức năng sản xuất. Thậm chí, với Khu Cao – Xà – Lá, đã có quy định về giá đất phải đền bù của Nhà nước nhưng việc di dời vẫn chưa được thực hiện.

Đáng lưu ý, trong quá trình khai thác, sử dụng, nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục sản xuất, kể cả những đơn vị đã nhận địa điểm mới như: Công ty Thuốc lá Thăng Long đã có trụ sở mới tại huyện Thạch Thất (Hà Nội).

KTS. Đào Ngọc Nghiêm.

Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông cũng nằm trong chủ trương di dời nhưng nhiều năm qua vẫn chưa được thực hiện. Trên thực tế, công ty này đã được tạo điều kiện xây dựng nhà máy tại Khu công nghiệp Quế Võ - Bắc Ninh từ năm 2006. Đến năm 2015, Rạng Đông đầu tư thêm 2 ha, nâng tổng diện tích lên 8,2 ha.

Mặc dù kế hoạch di dời đã xác định rõ nơi đi, nơi đến, thậm chí thành phố đã có nhiều chính sách ưu đãi, tạo điều kiện để thúc đẩy việc di dời các cơ sở công nghiệp. Tuy nhiên thời gian qua, công tác di dời còn chậm, chưa hiệu quả.

Theo ông, nguyên nhân của tình trạng chậm di dời này là do đâu?

Xảy ra tình trạng này là do thiếu nguồn lực thưc hiện, vì muốn di dời phải có nguồn lực ngân sách. Nhiều doanh nghiệp đưa ra lý do này để chậm di dời đến vị trí mới. Một số khác thì cho rằng, doanh nghiệp khó khăn trong việc giải quyết công ăn việc làm nếu di dời nhà máy khỏi nội đô. Tuy nhiên, khó khăn quan trọng nhất là nhận thức của các cơ sở sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các cơ quan chủ quản hoặc chính quyền địa phương chưa thể hiện sự quyết liệt.

Cái khó nữa là sự thiếu giám sát nhất định trong công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng. Hai mươi năm nay đặt ra chủ trương di dời, thậm chí có những cơ sở đã có quyết định di dời 4 - 5 năm nay nhưng không thực hiện. Khi chưa di dời thì nhà máy đó vẫn sản xuất, gây ô nhiễm, trong khi cơ quan chức năng chưa có sự giám sát chặt chẽ về tác động của việc sản xuất tại những cơ sở này đối với môi trường. Hậu quả là vụ hoả hoạn tại nhà máy của Công ty Phích nước Rạng Đông vừa qua.

Luật bảo vệ môi trường mới đã xác định rõ vai trò của chủ dự án, chủ sở hữu nhưng luật đó vẫn không có hiệu lực. Hà Nội đã chủ trương di dời nhà máy, khu công nghiệp ra khỏi nội đô từ lâu, các luật liên quan đều có tác động nhưng chính những người đóng vai trò giám sát chưa làm hết trách nhiệm.

Vụ cháy tại Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông mới đây đã để lại hậu quả nặng nề cho doanh nghiệp và người dân xung quanh.

Một nguyên nhân khác cũng ảnh hưởng đến tiến độ di dời là lực lượng công nhân làm việc tại các nhà máy đã quen với nơi cũ. Nếu di dời theo thì rất khó cho họ, và khó công tác trong giải phóng mặt bằng.

Vậy để thực hiện tốt chủ trương di dời các cơ sở sản xuất, nhà máy ra khỏi nội đô, giải pháp đặt ra là gì, thưa ông?

Yêu cầu đặt ra với thành phố lúc này là cần có sự đồng bộ trong chỉ đạo giữa các cơ quan chức năng, tại các nhà máy, cơ sở sản xuất.

Sâu xa hơn, để giải quyết triệt để tình trạng này, cần có sự vào cuộc quyết liệt của Nhà nước. Đó là những ưu đãi, hỗ trợ về nguồn vốn để doanh nghiệp có khả năng xây dựng cơ sở mới, hoặc các chính sách phù hợp để doanh nghiệp liên kết với các đơn vị có chức năng xây dựng đô thị, thu hút nhà đầu tư nước ngoài triển khai.

Ngoài ra, việc sửa Luật Đất đai trong thời gian tới cũng cần bổ sung các quy định về việc sử dụng quỹ đất công nghiệp trong nội đô rõ ràng hơn. Bởi thực tế quỹ đất của các bộ, ngành trong danh sách cần di dời vẫn ít hơn nhiều so với các quỹ đất thuộc cơ sở công nghiệp chưa di dời.

Bên cạnh đó, công tác giám sát quá trình khai thác sử dụng tại các nhà máy phải được quán triệt chặt chẽ hơn nữa. Nhà nước cần có chính sách cụ thể và quyết liệt hơn để vừa tạo điều kiện vừa kiên quyết để các doanh nghiệp sớm di dời.

Xin cảm ơn ông!

Theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2015, đến năm 2020, Hà Nội sẽ di dời 117 cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành. Trong đó, quận Đống Đa có 15 cơ sở; quận Ba Đình: 2 cơ sở; quận Cầu Giấy: 2 cơ sở; quận Hai Bà Trưng: 18 cơ sở; quận Hoàn Kiếm: 6 cơ sở; quận Hà Đông: 28 cơ sở; quận Bắc Từ Liêm: 6 cơ sở; quận Thanh Xuân: 9 cơ sở; quận Nam Từ Liêm: 2 cơ sở; quận Hoàng Mai: 11 cơ sở; quận Long Biên: 17 cơ sở.

UBND TP. Hà Nội cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục di dời. Trong đó, kết quả phân tích quan trắc mức độ gây ô nhiễm môi trường có 23 đơn vị nước thải đạt quy chuẩn cho phép; 47 đơn vị gây ô nhiễm môi trường; 11 đơn vị gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Về biện pháp di dời, TP. Hà Nội phân loại đối với các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và không phù hợp quy hoạch đề xuất hình thức bắt buộc di dời ngay. Các cơ sở gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch tiến hành phân loại đề xuất xử lý cụ thể từng trường hợp theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các đồ án quy hoạch phân khu đô thị.

Về hình thức, cơ chế di dời, theo UBND TP. Hà Nội:

- Cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp phải di dời thực hiện bán tài sản gắn liền với đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

- Nhà nước thu hồi đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị, sự nghiệp phải di dời để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.

- Doanh nghiệp phải di dời tự làm chủ đầu tư hoặc liên doanh với nhà đầu tư khác hình thành pháp nhân mới làm chủ đầu tư để thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch.

Mặc dù chủ trương, lộ trình đặt ra từ lâu, nhưng tiến độ xử lý, di dời còn chậm. Báo cáo chính thức tại Hội nghị giao ban trực tuyến tháng 9/2019 của Hà Nội cho thấy tại thời điểm đó mới chỉ giảm được 4 cơ sở.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo UBND TP. Hà Nội là do:

- Tâm lý doanh nghiệp không muốn di chuyển ra xa nội thành, muốn dựa vào lợi thế vị trí đất để sản xuất kinh doanh, thuận tiện đi lại và sinh hoạt;

- Năng lực tài chính của hầu hết các doanh nghiệp còn hạn chế trong việc đầu tư thay đổi công nghệ sạch, đầu tư công nghệ xử lý nước thải, chất thải và đầu tư tại nơi di chuyển đến. Nguồn lực Nhà nước còn hạn chế trong đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ tại nơi di chuyển đến;

- Cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp di dời còn một số bất cập, chưa phù hợp với thực tế;

- Các đồ án quy hoạch phân khu đô thị đang trong quá trình hoàn thiện quy hoạch ngành và quy hoạch xây dựng theo Quy hoạch chung Thủ đô được duyệt.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.