Theo Thanh tra Chính phủ, hàng loạt sai phạm liên quan các dự án đầu tư xây dựng, đất đai ở Hòa Bình vừa qua gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng. Phòng làm việc của Bí thư và Phó Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình được đầu tư xây dựng và mua sắm trang thiết bị vượt tiêu chuẩn trên 1 tỷ đồng.
“Đơn giá quá cao so với giá thực tế trên thị trường”
Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa có kết luận về hàng loạt sai phạm liên quan đến các dự án đất đai, xây dựng tại tỉnh Hòa Bình gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng. Trước đó, năm 2016, dự thảo kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu: Qua kiểm tra hồ sơ mời thầu Dự án trụ sở làm việc Văn phòng Tỉnh ủy cho thấy, việc nêu yêu cầu về nhãn hiệu xuất xứ hàng hóa cụ thể trong hồ sơ mời thầu là không đúng quy định tại Khoản 5, Điều 12 Luật Đấu thầu.
Theo đó, giá dự toán gói thầu được duyệt ở một số trang thiết bị và phương tiện mua sắm vượt tiêu chuẩn, định mức quy định tại Quyết định số 170 ngày 18/7/2016 của Chính phủ và Thông tư số 68/2012 của Bộ Tài chính. Cụ thể, phòng làm việc của Bí thư và Phó Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình vượt tiêu chuẩn trên 1 tỷ đồng.
Về nội dung này, Văn phòng Tỉnh ủy Hòa Bình cho rằng: Trong thiết kế trụ sở làm việc Văn phòng Tỉnh ủy có bố trí 2 phòng tiếp khách của Bí thư và Phó Bí thư Tỉnh ủy. Tuy nhiên, công trình sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng gắn với điều kiện thực tế, ngoài phòng khánh tiết chung, không có phòng với diện tích phù hợp để tiếp khách, trao đổi công việc khi cần thiết, nhất là khách đối ngoại.
Phòng của Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình vượt tiêu chuẩn cả tỷ đồng.
Vì vậy, Văn phòng Tỉnh ủy đã điều chỉnh công năng phòng tiếp khách của Bí thư và Phó Bí thư Tỉnh ủy sử dụng làm 2 phòng tiếp khách chung của Tỉnh ủy. Một số tài sản như tủ gỗ 2 khoang, 3 khoang (trị giá 49 triệu đồng) sử dụng để đựng tài liệu phục vụ công tác lãnh đạo đồng thời tận dụng để treo quần áo phục vụ tiếp khách đối ngoại. Ngoài ra, theo Văn phòng Tỉnh ủy, một số mục thuộc phần xây dựng trị giá gần 300 triệu đồng được chuyển sang gói thầu nội thất. Theo đó, Văn phòng Tỉnh ủy Hòa Bình đề nghị TTCP xem xét không đưa vào trong kết luận thanh tra. Ngoài ra, Văn phòng Tỉnh ủy đề nghị không đưa cụm từ “…và công trình đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng từ tháng 4/2014” vào dự thảo kết luận thanh tra.
Đối với hạng mục cửa gỗ lim Nam Phi dẫn đến giá trị chênh lệch tăng giữa dự toán, nghiệm thu thanh quyết toán so với thực tế số tiền trên 3 tỷ đồng, Văn phòng Tỉnh ủy Hòa Bình cho rằng: Tại thời điểm trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự toán hàng mục cửa gỗ lim Nam Phi, Văn phòng Tỉnh uỷ đã tham khảo thông báo giá của Sở Tài chính, Sở Xây dựng nhưng không có danh mục gỗ lim Nam Phi. Do đó Văn phòng Tỉnh ủy đã căn cứ vào chứng thư thẩm định giá của Cty CP Thăng Long.
Về việc này, TTCP chỉ rõ, chủ đầu tư là Văn phòng Tỉnh ủy Hòa Bình đã lựa chọn “đơn giá quá cao so với giá thực tế trên thị trường”. Theo quy định phải căn cứ báo giá trên thị trường địa bàn tỉnh nhưng chủ đầu tư thuê doanh nghiệp đi thẩm định giá ở Hà Nội, đơn vị này đã lấy báo giá của các doanh nghiệp không có chức năng sản xuất, kinh doanh cửa gỗ, khiến hạng mục này bị đội giá lên hơn 3,8 tỷ đồng. Được biết, đơn vị trúng thầu gói xây lắp trụ sở của dự án này là Cty CP Đầu tư năng lượng xây dựng thương mại Hoàng Sơn.
Nhiều dự án xây dựng, đất đai gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình khẩn trương chấn chỉnh công tác quản lý sử dụng đất, quản lý đầu tư xây dựng các dự án trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, trong giai đoạn 2004-2014, UBND tỉnh Hòa Bình đã buông lỏng quản lý đất đai gây lãng phí và thất thoát ngân sách Nhà nước số tiền lớn.
Điển hình là dự án Khu dân cư đường Trần Hưng Đạo (TP Hòa Bình) với quy mô hơn 24ha do Cty CP đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp sông Đà làm chủ đầu tư. Tại dự án này, TTCP phát hiện UBND tỉnh Hòa Bình cho phép chủ đầu tư chuyển nhượng hơn 7.700m2 đất được quy hoạch là đất công trình cơ quan sang mục đích làm nhà hàng khách sạn với giá trị hơn 20 tỷ đồng. Điều đáng nói, cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình đã không tính tiền sử dụng hơn 5.654m2 đất ở, gây thất thoát ngân sách 30,5 tỷ đồng.
Tại dự án Khu đô thị sinh thái và dịch vụ Cửu Long tại huyện Lương Sơn do Cty CP đầu tư xây lắp dầu khí Hòa Bình làm chủ đầu tư thực hiện từ năm 2011. TTCP phát hiện, Sở Tài chính trình UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt số tiền sử dụng đất phải nộp khi giao đất cho chủ đầu tư theo phương pháp thặng dư, trong đó số tiền trả lãi vay xác định không đúng gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước hơn 101,5 tỷ đồng.
Năm 2012, theo đề nghị của UBND tỉnh Hòa Bình, Thủ tướng đã có văn bản đồng ý cho tỉnh này được thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình kiên cố hóa khắc phục tình trạng sạt lở mái taluy trên QL6 qua Hòa Bình theo lệnh khẩn. Thế nhưng thực tế dự án được thực hiện theo kiểu vừa thiết kế, vừa thi công. Và tới tháng 11/2014, chủ đầu tư là Sở GTVT Hòa Bình mới có quyết định phê duyệt tổng dự toán công trình với 14 vị trí kè sạt lở giá trị 662 tỷ đồng.
TTCP chỉ rõ những sai phạm tại các dự án nêu trên thuộc trách nhiệm của Thường trực UBND tỉnh Hòa Bình, các sở Tài chính, TN&MT, Xây dựng và chủ đầu tư. TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan chức năng thu hồi về ngân sách khoản tiền sai phạm 255 tỷ đồng.
Theo Thanh tra Chính phủ, Dự án xây dựng trụ sở Văn phòng Tỉnh ủy và các ban xây dựng Đảng tỉnh Hòa Bình có tổng mức đầu tư 133 tỷ đồng, bắt đầu triển khai từ năm 2010 nhưng đến khi hoàn thành vào năm 2014 đã nhiều lần bị điều chỉnh thiết kế, bản vẽ.
Minh Đức (Tiền phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.