Việc triển khai thí điểm theo Nghị quyết 171/2024/QH15 đang mở ra hướng đi mới trong tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý cho thị trường bất động sản.
Danh mục này bao gồm 157 khu đất với tổng diện tích khoảng 861,9 ha, chủ yếu nằm tại các quận nội thành và vùng ven đang có nhu cầu nhà ở cao. Động thái công bố danh sách cụ thể được VCBS đánh giá là “tín hiệu tích cực” giúp tạo tiền đề khơi thông nguồn cung cho thị trường bất động sản, đặc biệt trong bối cảnh lực cầu tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP. HCM vẫn duy trì mạnh mẽ.
Tạo chuyển biến thực chất, kỳ vọng lan rộng
Dù chưa phải tất cả các dự án đều được đưa vào danh sách trình phê duyệt – do còn vướng giới hạn diện tích đất ở theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 4 của Nghị quyết 171, VCBS nhận định rằng: "Các vướng mắc pháp lý còn tồn đọng có khả năng cao sẽ được xem xét tháo gỡ từng bước trong thời gian tới".
Hà Nội đi đầu trong công bố danh sách các dự án đủ điều kiện là tín hiệu rõ ràng về quyết tâm thực thi chính sách.
Những dự án đã có giấy phép đầu tư, sau khi được tháo gỡ pháp lý, sẽ được phép triển khai hạ tầng, mở khóa dòng tiền và thúc đẩy hoạt động xây dựng. Theo VCBS, tỷ lệ hấp thụ tại các dự án này được kỳ vọng đạt mức cao, do phần lớn tọa lạc tại các vị trí trung tâm – nơi nguồn cung hiện đang rất hạn chế.
Nhiều doanh nghiệp niêm yết có dự án được gỡ nút thắt
Danh sách dự kiến phê duyệt bao gồm nhiều dự án của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết. Một số nổi bật có thể kể đến:
- HDG (Hà Đô Group): Dự án khu hỗn hợp tại Thanh Xuân với quy mô 2,24 ha, tổng mức đầu tư (TMĐT) dự kiến 4.500 tỷ đồng.
- DGC (Tập đoàn Hóa chất Đức Giang): Tổ hợp công cộng, nhà ở tại Long Biên (5,43 ha), TMĐT khoảng 4.500 tỷ đồng.
- G36: Dự án cao tầng tại 6-8 Chùa Bộc (0,98 ha), TMĐT hơn 3.200 tỷ đồng, vốn hóa doanh nghiệp chỉ 632 tỷ đồng – cho thấy kỳ vọng tăng trưởng cao nếu dự án được triển khai.
- VPI (Văn Phú Invest): Dự án Văn Phú Complex tại Nam Từ Liêm, TMĐT hơn 3.200 tỷ đồng.
Ngoài ra còn nhiều doanh nghiệp khác có dự án nằm trong danh sách, như PC1, MIG, CTX, PVV, ICC, SD7… Đây là những đơn vị sẽ hưởng lợi trực tiếp từ cơ chế thí điểm, khi có thể tái khởi động các dự án.
Dự án doanh nghiệp niêm yết tại TP. HCM kỳ vọng được tháo gỡ
Bên cạnh danh sách chính thức tại Hà Nội, VCBS cũng đưa ra cập nhật về một loạt dự án của doanh nghiệp niêm yết tại TP. HCM hiện đang kỳ vọng được đưa vào diện tháo gỡ trong thời gian tới:
- Hado Green Lane (HDG) – Quận 8: 2,3 ha, TMĐT khoảng 3.100 tỷ đồng.
- Hado Minh Long (HDG) – TP. Thủ Đức: 2,7 ha, TMĐT khoảng 4.400 tỷ đồng.
- West Gate 2 (AGG) – Bình Chánh: 3,2 ha, TMĐT 3.000 tỷ đồng.
- NBB Garden III (NBB) – Quận 8: 7,75 ha, TMĐT gần 4.500 tỷ đồng.
- Cao ốc Lê Sát – Tân Hương (SGR) – Quận Tân Phú: 0,79 ha, TMĐT 1.400 tỷ đồng.
Các dự án này đều thuộc về các khu vực đông dân cư, hạ tầng hoàn thiện và nhu cầu nhà ở thực cao. VCBS đánh giá, nếu sớm được tháo gỡ thị trường sẽ đón nhận cú hích lớn, đặc biệt là đối với nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ đang chịu áp lực thanh khoản.
Tín hiệu tích cực cho thị trường và nhà đầu tư
Việc triển khai cơ chế thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong phát triển nhà ở thương mại – một hình thức được thí điểm theo Nghị quyết 171 – được giới chuyên gia đánh giá là bước tiến lớn trong cải cách chính sách đất đai.
Theo nhận định của VCBS, động thái tháo gỡ một loạt dự án thông qua cơ chế thí điểm gần đây đã đặt tiền đề để tiếp tục khơi thông pháp lý, mở ra cơ hội tái khởi động cho nhiều dự án vẫn đang gặp vướng mắc.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn đang trong quá trình phục hồi, nếu được triển khai hiệu quả, đây sẽ là bước ngoặt giúp thị trường vượt qua giai đoạn trầm lắng kéo dài và từng bước quay trở lại chu kỳ tăng trưởng mới.
-
Không tạo khoảng trống pháp lý về đất đai khi tổ chức chính quyền địa phương hai cấp
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị phải đảm bảo không gián đoạn, không tạo khoảng trống pháp lý về đất đai khi tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.
-
Cần sớm ban hành nhiều văn bản pháp lý quan trọng làm đường sắt tốc độ cao
Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ dự thảo Kế hoạch triển khai Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Dự thảo Kế hoạch đề xuất tiến độ hoàn thành nhiều văn bản pháp lý và đề án quan trọng nhằm tạo bước tiếp theo của dự án.
-
Luật hóa Nghị quyết 42: Tạo khuôn khổ pháp lý xử lý nợ xấu, giảm lãi suất cho vay
Ngày 18/4/2025, Ủy ban Kinh tế và Tài chính tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ nhất, tiến hành thẩm tra tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.







