Ngày 18/4/2025, Ủy ban Kinh tế và Tài chính tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ nhất, tiến hành thẩm tra tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.
Luật hóa Nghị quyết 42
Dự thảo Luật đề xuất luật hóa ba chính sách cốt lõi của Nghị quyết 42, bao gồm: Quy định quyền thu giữ tài sản bảo đảm; Kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án; Hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự, đồng thời mở rộng thêm với tài sản vi phạm hành chính.
Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, việc luật hóa sẽ giúp thiết lập khuôn khổ pháp lý thống nhất, tháo gỡ những vướng mắc hiện nay trong xử lý nợ xấu, từ đó hỗ trợ tổ chức tín dụng và các công ty mua bán nợ thực hiện quyền hợp pháp với tài sản đảm bảo, góp phần thúc đẩy luân chuyển vốn và giảm chi phí tín dụng cho người dân, doanh nghiệp.
Nghị quyết 42 mang lại hiệu quả rõ rệt
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Quang Dũng cho biết, trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, chỉ khoảng 23% khách hàng tự nguyện trả nợ. Sau khi áp dụng nghị quyết, tỷ lệ này tăng mạnh lên 89%. Trung bình mỗi tháng, ngành ngân hàng xử lý được 5.800 tỷ đồng nợ xấu – tăng gần 2.300 tỷ đồng so với thời điểm trước đó. Tuy nhiên, khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực, quá trình xử lý nợ xấu lập tức gặp khó khăn, kéo theo áp lực chi phí vốn tăng cao.
Ý kiến ủng hộ và các khuyến nghị thận trọng
Ủy ban Kinh tế và Tài chính tán thành sự cần thiết sửa đổi luật, cho rằng việc luật hóa các quy định của Nghị quyết 42 là bước đi cần thiết nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng và Quốc hội, góp phần hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực ngân hàng, nâng cao tính minh bạch, bình đẳng trong môi trường kinh doanh.
Ông Nguyễn Đình Việt – Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, thành viên Ủy ban – ủng hộ việc luật hóa quyền thu giữ tài sản bảo đảm, cho rằng điều này sẽ góp phần nâng cao ý thức trả nợ của người vay.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh, các chính sách mới cần được đánh giá tác động toàn diện, bảo đảm sự minh bạch, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan.
Ủy ban Pháp luật và Tư pháp lưu ý rằng, theo pháp luật dân sự hiện hành, quyền thu giữ tài sản bảo đảm chỉ phát sinh nếu được thỏa thuận trong hợp đồng. Vì vậy, việc luật hóa cần đảm bảo nguyên tắc tự do dân sự, tránh hành chính hóa quan hệ dân sự hoặc vượt qua phán quyết của tòa án nếu không có cơ chế kiểm soát phù hợp.
Phân cấp cho Ngân hàng Nhà nước quyết định cho vay đặc biệt
Một điểm đáng chú ý trong dự thảo Luật là đề xuất trao quyền quyết định cho vay đặc biệt – bao gồm cả khoản vay không có tài sản bảo đảm và lãi suất 0% – cho Ngân hàng Nhà nước thay vì Thủ tướng Chính phủ như hiện hành.
Theo ông Nguyễn Đình Việt, việc này là hợp lý vì Ngân hàng Nhà nước là cơ quan hiểu rõ nhất tình hình của các tổ chức tín dụng. Điều này sẽ giúp rút ngắn thời gian xử lý, tăng tính chủ động và hiệu quả trong bối cảnh thị trường tài chính biến động nhanh.
Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cũng đánh giá, quy định này phù hợp với chủ trương phân cấp mạnh mẽ trong quản lý nhà nước, góp phần tăng tính linh hoạt và khả năng phản ứng kịp thời trong các tình huống khẩn cấp – nhất là với những tổ chức tín dụng đang thiếu thanh khoản nhưng còn khả năng phục hồi.
-
VietABank báo lãi quý I tăng mạnh, nợ xấu giảm
VietABank vừa kết thức quý I năm 2025 với lợi nhuận trước thuế tăng vọt 42,5%, đạt 352,9 tỷ đồng – nhờ kinh doanh cốt lõi khởi sắc và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm mạnh.
-
Nợ xấu ngân hàng 2025: Dự báo mới nhất từ FiinRatings, VDSC, MBS
Trong bối cảnh kinh tế năm 2025, nợ xấu ngân hàng tiếp tục là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu. Các tổ chức uy tín như FiinRatings, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) và Chứng khoán MB (MBS) đã đưa ra những dự báo và phân tích chi tiết về tình hình nợ xấu của ngành ngân hàng.
-
Nợ xấu tăng mạnh, Bac A Bank vẫn phát hành cổ phiếu, tăng vốn điều lệ vượt 9.500 tỷ đồng
Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank, mã: BAB) vừa có báo cáo kết quả phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2023 gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.







