03/11/2020 8:45 AM
Thời gian qua, chính quyền các phường, xã của TP.Biên Hòa đã xử lý nhiều công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đất rừng. Trong đó, ngoài việc yêu cầu tháo dỡ công trình, các doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình xây dựng trái phép phải trả lại hiện trạng đất như ban đầu.

UBND P.Tam Phước tiến hành cưỡng chế công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp

Theo UBND TP.Biên Hòa, các khu vực xảy ra xây dựng trái phép nhiều là các phường Phước Tân, Tam Phước, Long Bình, Hóa An, Trảng Dài... Từ đầu năm 2020 đến nay, UBND TP.Biên Hòa đã yêu cầu các phường, xã xử lý thật nghiêm tình trạng phân lô bán nền đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp và xây dựng trái phép.

Cưỡng chế nhiều công trình

Hiện nay, các phường, xã của TP.Biên Hòa đều đã và đang siết chặt quản lý đất đai để hạn chế mức thấp nhất tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp, vì đây là khởi nguồn của việc xây dựng trái phép. Khi phát hiện công trình xây dựng trái phép trên địa bàn, UBND các phường, xã sẽ buộc tháo dỡ, quá thời hạn, chủ công trình không thực hiện sẽ bị cưỡng chế.

Chủ tịch UBND P.Tam Phước Võ Cao Cường cho biết: “Trong gần 1 năm qua, P.Tam Phước đã phối hợp với thành phố xử lý 19 trường hợp vi phạm về đất đai và xây dựng. Trong đó, có 12 vụ phân lô, bán nền đất nông nghiệp, 7 vụ xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đất lấn chiếm của lâm trường. Hiện tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp, xây dựng trái phép đã giảm mạnh”.

Tình trạng xây dựng trái phép chủ yếu xảy ra ở các phường ngoại ô nơi đất đai rộng lớn và gần các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhu cầu về nhà ở cao. Do đó, các phường đã phối hợp chặt với các khu phố, phát hiện xử lý sớm các trường hợp xây dựng nhà ở, xưởng sản xuất chưa được cấp phép xây dựng.

Ông Nguyễn Tôn Trọng, Chủ tịch UBND P.Phước Tân cho hay: “Dù xảy ra dịch bệnh Covid-19, nhưng từ đầu năm 2020 đến nay, P.Phước Tân đã tổ chức 3 đợt ra quân xử lý 21 trường hợp xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp và đất lâm nghiệp. Trước tiên, UBND phường vận động người dân, doanh nghiệp tự tháo dỡ công trình, quá thời hạn quy định không tháo dỡ thì phường tiến hành cưỡng chế”. Mới đây, P.Phước Tân đã tiến hành cưỡng chế 8 trường hợp xây dựng trái phép, trong đó có khu nhà xưởng rộng hàng ngàn m2. Đơn cử như: Chi nhánh 4 của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Y.C.T ở tổ 11, KP.Tân Cang đã tự ý chuyển đổi đất nông nghiệp và xây dựng khu nhà xưởng rộng hơn 2 ngàn m2; khu nhà xưởng của bà T.T.N rộng 1.936m2 được xây dựng không phép trên thửa đất 149, 188 tờ bản đồ số 24 thuộc KP.Tân Lập; dãy nhà xưởng rộng 3.186m2 ở KP.Tân Cang (chưa xác định chủ công trình)...

Tiếp tục siết chặt quản lý

Trước đây, việc quản lý đất đai, xây dựng trái phép ở nhiều địa phương còn lỏng lẻo đã dẫn đến hàng loạt xưởng sản xuất, khu dân cư tự phát mọc lên, gây ra những hệ lụy lâu dài. Cụ thể là hình thành những khu dân cư tự phát không đảm bảo về hạ tầng kỹ thuật, trở thành gánh nặng cho địa phương và đến nay chưa thể giải quyết dứt điểm. Vì hàng trăm căn nhà đã được xây dựng lên, phần lớn của các hộ có thu nhập thấp, chính quyền địa phương muốn cưỡng chế gặp nhiều khó khăn, còn để vô tình thành tiền lệ xấu.

Ông Huỳnh Tấn Lộc, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa khẳng định: “Gần 2 năm qua, thành phố siết chặt quản lý đất đai, xây dựng. Nhiều trường hợp phân lô bán nền đất nông nghiệp đã được phát hiện sớm để xử lý và ngăn chặn, còn những công trình xây dựng trái phép đều buộc tự tháo dỡ, nếu không chấp hành sẽ cưỡng chế. Do đó, tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp, xây dựng trái phép trên địa bàn thành phố giảm nhiều”.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên cũng do nhiều người dân có nhu cầu về nhà ở, xưởng để sản xuất kinh doanh, nhưng tại một số phường hiện chưa được phê duyệt quy hoạch phân khu chi tiết xây dựng nên UBND TP.Biên Hòa không cấp phép chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng các công trình. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu xây dựng nhà ở, xưởng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân.

Ngoài ra, TP.Biên Hòa là nơi có công nghiệp phát triển, người dân các nơi về sinh sống đông, nhu cầu về nhà ở rất lớn, trong khi đất đai có giấy tờ đầy đủ, phù hợp quy hoạch hiện giá khá cao, nhà ở dành cho người có thu nhập thấp, công nhân không đáp ứng đủ. Vì thế, nhiều người dân đã liều mua đất nông nghiệp giấy tay giá chỉ từ 200-300 triệu đồng/nền (100m2) để xây dựng nhà ở không phép. Tình trạng này gần đây đã được hạn chế vì các phường, xã siết chặt khâu quản lý nhưng vẫn còn và khó giải quyết dứt điểm.

  • Đồng Nai: Cưỡng chế 8 công trình xây dựng trái phép trên đất nông lâm nghiệp

    Đồng Nai: Cưỡng chế 8 công trình xây dựng trái phép trên đất nông lâm nghiệp

    Từ ngày 27 đến ngày 28/10, lực lượng chức năng của phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã hoàn thành việc thực hiện cưỡng chế, bắt buộc khôi phục lại hiện trạng đối với 8 công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp tại khu phố Vườn Dừa, Tân Mai, Tân Cang, Tân Lập thuộc địa bàn của phường Phước Tân.

Hương Giang (Báo Đồng Nai)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.