Đại gia chôn tiền “bánh vẽ” nơi bờ biển
Mới đây, một đại gia buôn bán bất động sản tại Đà Nẵng đã tự nã súng vào đầu kết liễu mạng sống mà nguyên nhân là do vỡ nợ. Phát súng tự kết liễu cuộc đời mình của đại gia bất động sản này là minh chứng cho đoạn kết buồn thời vàng son đất đai nơi thành phố đáng sống này.
“Các vụ tự sát do vỡ nợ trong kinh doanh bất động sản vừa qua chỉ diễn ra ở các đại gia cò con. Còn những đại gia của các dự án lớn ven biển vẫn ngồi rung đùi chẳng hề hấn chi” - ông Nguyễn Minh T., một đại gia máu mặt kinh doanh bất động sản ở Đà Nẵng, cười nói.
Ông T. bảo: “Ai cũng nghĩ chắc mấy ổng chết khi dự án đầu tư tại các bãi biển Đà Nẵng không triển khai được. Nghĩ rứa là nhầm, bởi cái dự án hàng chục, hàng trăm triệu USD chỉ là dự án vẽ trên giấy, chớ có bỏ tiền đầu tư mô mà chết”.
Dự án “bánh vẽ” hơn 300 triệu đô bên bờ biển Đà Nẵng bỏ hoang nhiều năm nay.
Suốt những ngày lang thang dọc ven biển Đà Nẵng - Quảng Nam, tận mắt chứng kiến hàng trăm dự án đầu tư kéo dài hơn 30 km ven biển, chúng tôi thấy hàng trăm dự án bỏ hoang và được nghe đủ lời than vãn của người dân khi phải dời nhà, nhường đất cho dự án giờ lại bỏ hoang.
Cái dự án mà đại gia T. đầu tư nằm vị trí giữa hai sân golf Danang Golf Club và Golf Montgomerie Links, trên tuyến đường ven biển Trường Sa nối liền Đà Nẵng và đô thị cổ Hội An. Mặt phía Đông của dự án kéo dài 600m bờ biển là khu đất vàng mà khi thị trường nóng sốt là tâm điểm dòm ngó của các đại gia.
Không chỉ đại gia T. mà hàng chục đại gia, chủ đất dự án ven biển cũng thế.
Chỉ tính riêng khu vực ven biển và các khu đất vàng Đà Nẵng, tổng số tiền đầu tư cho các dự án “bánh vẽ” lên đến 3 tỷ USD. Nhưng đến nay vẫn chưa có cơ quan chức năng nào biết đích xác các đại gia đã đầu tư bao nhiều tiền vào các dự án này.
Ai chết sau những dự án treo?
Mặc dù những dự án trăm triệu đô án binh bất động nhiều năm, nhưng hầu hết các đại gia vẫn ngồi chờ giá đất Đà Nẵng sốt nóng trở lại để kiếm tiền từ những dự án “bánh vẽ” mà mình làm chủ nhiều năm trước.
Cả 83 dự án đã nộp tiền, với mức giá tại thời điểm UBND TP giao đất rẻ như bèo. “Chúng ta bán cho họ theo kiểu động viên, khuyến khích thu hút đầu tư nên thu không bao nhiêu” - ông Khương nói.
Người dân nghèo gồng lưng mưu sinh nhặt chai bao để sống qua ngày, còn dự án thì trùm mền bỏ hoang.
Để có đất sạch giao cho các nhà đầu tư, UBND TP. Đà Nẵng đã phải bỏ ra số tiền rất lớn hàng nghìn tỷ từ ngân sách để đền bù giải tỏa, bố trí tái định cư. “Đến nay, đất tái định cho các hộ giải tỏa từ những năm trước 2011 vẫn chưa giải quyết xong, nhất là tại quận Ngũ Hành Sơn. Thế nhưng hàng nghìn ha đất cấp cho các dự án đầu tư vẫn bất động nhiều năm nay”- ông Khương chua chát nói.
Trả lời chất vấn của các đại biểu HĐND TP. Đà Nẵng mới đây Phó Chủ tịch UBND TP Võ Duy Khương cho biết, có 29 dự án chậm triển khai nằm ở ven biển, trong đó có 8 dự án đầu tư nước ngoài và 21 dự án đầu tư trong nước.
Với số nợ “khủng” tiền sử dụng đất nhiều năm nay là hậu quả những dự án “bánh vẽ” để lại đã gây khó khăn cho nguồn thu ngân sách Đà Nẵng những năm qua.
Để có tiền đầu tư cho những dự án trọng điểm, Đà Nẵng đã phải xin phát hành 1.500 tỷ đồng trái phiếu địa phương.
-
Gần 130 dự án tại Hải Dương chậm tiến độ
Theo kết quả rà soát của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương, toàn tỉnh có 127 dự án ngoài khu công nghiệp chậm tiến độ.
-
Siêu dự án của Sông Hồng Thủ Đô tại Vĩnh Phúc lọt danh sách chậm tiến độ
Công ty cổ phần Tập đoàn Sông Hồng Thủ Đô có hai dự án chậm tiến độ gồm Khu dịch vụ Bắc Đầm Vạc (8/2018-2/2021) và Khu đô thị sinh thái Sông Hồng Nam Đầm Vạc (tiến độ 2010-2015).
-
Dự án của Flamingo, Sông Hồng Thủ đô tại Vĩnh Phúc lọt danh sách dự án chậm tiến độ
Cổng Thông tin - Giao tiếp điện tử tỉnh Vĩnh Phúc mới đây đã công bố danh sách 20 dự án nhà ở, đô thị chậm tiến độ trên địa bàn. Nổi bật có những dự án liên quan đến các doanh nghiệp tên tuổi như Flamingo, Sông Hồng Thủ đô, Vinaconex…...