Ông Lê Minh Đức, Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP HCM, cho biết TP đang triển khai mô hình chính quyền đô thị, trong đó có mục tiêu xây dựng TP Thủ Đức để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội TP là định hướng hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên hiện tại, hạ tầng TP Thủ Đức còn nhiều hạn chế, do đó, đầu tư cho lĩnh vực này là nhiệm vụ tiên quyết.
Những việc phải làm ngay
Theo Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP, thời gian tới, TP cần có nhiều giải pháp đồng bộ trong triển khai các dự án phát triển hạ tầng giao thông cho TP Thủ Đức. Theo đó, để đẩy nhanh việc thực hiện các dự án hạ tầng thì cần có giải pháp rút ngắn thời gian bồi thường, tái định cư cho người dân để sớm có mặt bằng. "Việc này ngoài những chính sách liên quan thì cần chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận và chia sẻ khi bị thu hồi đất" - ông Lê Minh Đức nhấn mạnh. Đồng thời, phó trưởng Ban Pháp chế HĐND TP lưu ý đến việc phải tăng cường giám sát năng lực nhà thầu thi công dự án; công khai, minh bạch trong thực hiện dự án hạ tầng...
Ngoài ra, ông Lê Minh Đức cho rằng để bảo đảm việc thực hiện nhiệm vụ và quy hoạch của TP Thủ Đức, UBND TP cần căn cứ vào thẩm quyền và quy định để tăng cường phân cấp, ủy quyền các nhiệm vụ cho UBND TP Thủ Đức thực hiện. Đồng thời kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, bổ sung những quy định mới, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội hơn của chính quyền thành phố trực thuộc so với chính quyền ở các quận hiện nay, để có thể đáp ứng được mục tiêu và kỳ vọng đã đặt ra.
Nút giao Mỹ Thủy khi hoàn thành sẽ giúp giảm kẹt xe, tai nạn, tăng khả năng chuyên chở ở khu vực cảng Cát Lái, góp phần phát triển kinh tế - xã hội TP Thủ Đức Ảnh: Thu Hồng
Là một người có nhiều tâm huyết, ủng hộ việc thành lập TP Thủ Đức ở phía Đông TP HCM, TS - kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng đây là cơ hội để TP xây dựng những khu đô thị xứng tầm mang tầm vóc thế kỷ. Để TP Thủ Đức xứng đáng là "hạt nhân" thúc đẩy kinh tế TP HCM và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, một trong những mấu chốt theo TS - kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn là phải liên kết vùng. "TP phía Đông phải như lõi trung tâm, đóng vai trò anh cả kết nối sân bay Long Thành (Đồng Nai), cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu), tỉnh Bình Dương. Như vậy, liên kết vùng không chỉ là các địa phương trong TP mà cả những TP lân cận. Để đầu tư vào TP phía Đông phải cần một nguồn vốn khổng lồ. Ông cho rằng phải huy động cả ngân sách và vốn tư nhân, phù hợp tư duy kinh tế thị trường.
Đã và đang đẩy nhanh hàng loạt dự án
Trước các ý kiến của chuyên gia trong việc xem đầu tư hạ tầng là nhiệm vụ tiên quyết trong phát triển của TP Thủ Đức, lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP HCM nhấn mạnh TP đã và đang tiến hành hàng loạt dự án giao thông để hoàn chỉnh đường liên khu, tăng kết nối vùng cho TP Thủ Đức. Đầu tiên phải kể đến là việc TP đẩy mạnh các dự án kết nối các khu chức năng hoàn chỉnh mạng lưới đường liên khu vực như Lã Xuân Oai, Nguyễn Duy Trinh, đường liên cảng; hoàn thành các cầu lớn vượt sông như cầu Thủ Thiêm 3, 4, các cầu kết nối khu bán đảo Thanh Đa; cải tạo các nút giao thông chính để chống ùn tắc: An Phú, Mỹ Thủy, Thủ Đức… Kế đến là khép kín đường Vành đai 2, Vành đai 3.
Theo đó, nút giao Mỹ Thủy khi hoàn thành sẽ giúp giảm kẹt xe, tai nạn, tăng khả năng chuyên chở ở khu vực cảng Cát Lái. Nút giao cũng giúp tăng kết nối các quận 2, 7, 9, đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây... Tương tự, nút giao An Phú có 3 tầng với dự án hầm chui đôi, được đề xuất đầu tư giai đoạn 1 với tổng vốn khoảng 1.000 tỉ đồng. Công trình khi xây dựng cùng với hoàn thành mở rộng đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, kỳ vọng giải quyết ùn tắc và tăng kết nối TP HCM với các tỉnh Đông Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên.
Trong khi đó, 3 đoạn còn lại của Vành đai 2 là đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa, đoạn từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội và đoạn từ nút giao Bình Thái qua đường Phạm Văn Đồng, khi hoàn thành sẽ giúp giảm áp lực giao thông, tăng khả năng vận chuyển hàng hóa ở cảng Trường Thọ (quận Thủ Đức), cảng Long Bình (quận 9). Còn đường Vành đai 3 dài hơn 90 km đi qua Long An, TP HCM, Bình Dương và Đồng Nai, chia làm 4 đoạn, khi khép kín giúp phát triển kinh tế, xã hội không chỉ cho TP HCM còn cả Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Cùng với đó là phát triển vận tải hàng hóa logistics, cảng biển và ICD tại Cát Lái, Phú Hữu, Long Bình, trung tâm vận tải tại Long Trường, Trường Thạnh.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP, cho biết TP đã và đang có những kế hoạch cụ thể để đẩy nhanh các dự án hạ tầng nêu trên. "Riêng vướng mắc lớn nhất trong các dự án do vướng giải phóng mặt bằng cũng đã có giải pháp xử lý. Đó là, từ đầu năm 2021, TP ban hành hệ số điều chỉnh giá đất để lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư; lấy ý kiến người dân có đất thu hồi trên địa bàn TP theo phương án mới, theo cơ chế đặc thù... nhằm rút ngắn thời gian bồi thường. Việc này kỳ vọng sẽ giúp các dự án chậm tiến độ được đẩy nhanh, về đích sớm để TP Thủ Đức bứt phá đi lên" - vị lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP nói.
Thêm những kế hoạch lớnSở Giao thông Vận tải TP HCM cho biết đang phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý đường sắt đô thị, cùng sở giao thông vận tải các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai nghiên cứu mở rộng mạng lưới giao thông đường sắt đô thị trên địa bàn các quận hướng Đông và định hướng kéo dài tuyến metro số 1 kết nối với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương. Ngoài ra, TP sẽ nghiên cứu phát triển mạng lưới giao thông thủy (taxi thủy, xe buýt sông) để điều hướng các hành lang kênh rạch lớn và kết nối với mạng lưới sông lớn với TP Thủ Đức. Cụ thể là nạo vét luồng kết hợp nâng cấp các cầu trên các tuyến rạch Chiếc - Trau Trảu - sông Tắc để nối từ sông Sài Gòn đến sông Đồng Nai; nạo vét kết hợp nâng cấp cầu Ông Nhiêu phục vụ vận tải hàng hóa Khu Công nghệ cao về khu cảng Cát Lái; nạo vét luồng kết hợp nâng cấp các cầu trên tuyến rạch Giồng Ông Tố - rạch Đồng Trong. Đầu tư xây dựng cảng cạn (ICD) Long Bình mới trên sông Đồng Nai phục vụ di dời cảng Trường Thọ... |
-
Thành phố Thủ Đức còn nhiều vấn đề cần giải quyết
Để TP Thủ Đức phát triển, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra. Trước hết, trong công tác quản lý nhà nước, việc quản lý địa giới hành chính rộng hơn so với trước đây có thể phát sinh nhiều vấn đề như công tác quy hoạch, tệ nạn xã hội gia tăng, tình trạng mất an ninh trật tự, an toàn xã hội...