28/09/2020 5:13 PM
Thành phố Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ triển khai nhiều dự án xây dựng hạ tầng giao thông quan trọng nhằm kết nối đồng bộ với Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (sân bay Tân Sơn Nhất).

Những dự án này hoàn thành và đưa vào sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của người dân, nhất là sau khi Nhà ga hành khách T3 của sân bay Tân Sơn Nhất đi vào hoạt động, dự kiến năm 2023.

Thành phố Hồ Chí Minh triển khai nhiều dự án xây dựng hạ tầng giao thông quan trọng nhằm kết nối đồng bộ với Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Nhiều công trình phát huy tác dụng

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, tuyến đường Trường Sơn - trục chính dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất, trước đây thường xuyên bị quá tải, ách tắc, nay đã thông thoáng hơn. Điều này có được nhờ sự “chia lửa” của các tuyến đường kết nối xung quanh sân bay. Trong đó, điểm nhấn là cầu vượt trên cao tại nút giao đường Trường Sơn - đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, phân thành hai nhánh giúp các phương tiện dễ dàng di chuyển vào sân bay. Anh Trịnh Hoàng Quân, lái xe chở hàng hóa trong Khu công nghiệp Tân Bình chia sẻ: “Trước đây, mỗi lần đi vào sân bay Tân Sơn Nhất lúc giờ cao điểm, các phương tiện thường xuyên chịu cảnh ách tắc nhưng nay tình trạng này giảm hẳn”.

Phía ngoài sân bay Tân Sơn Nhất còn có cụm công trình cầu vượt khác gồm: Cầu vượt thép tại nút giao ngã 6 Gò Vấp và nút giao Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm. Theo Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh) Nguyễn Xuân Vinh, cụm nhánh cầu vượt cùng nút giao thông vòng xuyến có đảo tròn trung tâm đã giúp tình hình giao thông khu vực cửa ngõ sân bay thông thoáng hơn. Lý do là lượng xe trên đường Phạm Văn Đồng đi vào sân bay và ngược lại không còn giao cắt với các luồng xe trên cầu vượt, giảm xung đột các luồng giao thông.

Còn Trưởng phòng Quản lý xây dựng công trình giao thông đường bộ (Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh) Vương Quang Hưng cho hay, một số dự án hạ tầng giao thông khác quanh sân bay cũng đã phát huy hiệu quả, tiêu biểu là đường Phạm Văn Đồng, tuyến đường được mệnh danh "đẹp nhất thành phố", với chiều dài hơn 12km. Tuyến đường kết nối sân bay Tân Sơn Nhất về các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức và với tỉnh Bình Dương, Đồng Nai..., giúp các phương tiện di chuyển thuận lợi hơn.

Tiếp tục triển khai nhiều dự án mới

Theo Tiến sĩ Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng thành phố Hồ Chí Minh, dù có cải thiện, tuy nhiên, tình hình giao thông khu vực xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất vẫn đang quá tải. Đặc biệt, thời gian tới, khi dự án Nhà ga hành khách T3 được xây dựng đi vào hoạt động, dự báo hạ tầng giao thông sẽ quá tải trầm trọng hơn bởi lượng hành khách đến sân bay tăng cao. Do đó, việc sớm hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối đồng bộ rất cần thiết.

Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Phan Công Bằng cho biết, thời gian tới, để có thêm hệ thống giao thông kết nối liên hoàn với sân bay Tân Sơn Nhất, thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai nhiều dự án. Một trong những dự án quan trọng là xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa theo quy hoạch điều chỉnh Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã được Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt. Dự án có quy mô dài hơn 4km, gồm 6 làn xe, bề rộng mặt đường từ 29,5m đến 32m. Hiện nay, Bộ Quốc phòng đang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bàn giao đất để tiến hành các bước tiếp theo. Cùng với đó, dự án cải tạo, mở rộng đường Hoàng Minh Giám hiện thi công đạt hơn 90% tiến độ. Khi đi vào hoạt động, tuyến đường này sẽ góp phần giải quyết bài toán quá tải giao thông tại các tuyến đường quanh sân bay.

Ngoài ra, thành phố có 5 dự án hạ tầng giao thông quanh sân bay đã được phê duyệt, nhưng chưa triển khai thi công do vướng mặt bằng. Cụ thể là Dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, Dự án cải tạo đường Cộng Hòa, Dự án nâng cấp, mở rộng đường Trường Chinh (quận Tân Bình); Dự án nâng cấp, mở rộng đường Tân Kỳ - Tân Quý (quận Tân Phú); Dự án mở rộng đường Tân Sơn (quận Gò Vấp).

Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Trần Quang Lâm cho biết, Sở đã đề nghị UBND các quận Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp cùng phối hợp với các đơn vị liên quan sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao cho chủ đầu tư, phục vụ thi công 5 dự án nói trên. Mặt khác, Sở đề xuất tiếp tục nghiên cứu các quy định liên quan theo Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 9-3-2020 của Chính phủ về việc cho phép áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Chắc chắn, những dự án giao thông này khi đưa vào sử dụng sẽ hóa giải đáng kể tình trạng ùn tắc quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

  • Tháo 'nút thắt' cuối cùng cho nhà ga T3 Tân Sơn Nhất

    Tháo 'nút thắt' cuối cùng cho nhà ga T3 Tân Sơn Nhất

    Bộ KH-ĐT vừa kiến nghị Thủ tướng xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 - sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) cho nhà đầu tư là Tổng công ty cảng hàng không VN (ACV) thực hiện bằng nguồn vốn hợp pháp của doanh nghiệp.

Gia Bảo (HNM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.