Năm 2017, được đánh giá là tăng trưởng tín dụng khó đạt mục tiêu nhưng với chính sách điều hành tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hiện nay, có thể thấy tín dụng đang được kiểm soát một cách chặt chẽ nhằm đạt mức tăng trưởng kinh tế (GDP tăng 6,7%) hơn là sử dụng hết room tín dụng 18%.
Theo các chuyên gia tài chính – ngân hàng, nếu đẩy tín dụng mà không đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đây không hẳn là bài toán hay vì khi tín dụng tăng trưởng cao mà không kiểm soát được chất lượng sẽ khiến nợ xấu tăng nhanh.
Tín dụng đã tăng 23,5%
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), hai năm qua, tín dụng Việt Nam đã tăng trưởng nhanh chóng với tỷ lệ tín dụng/GDP hiện tăng thêm 23,5%. Do đó, IMF cảnh báo, nếu năm nay tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu 15 – 17%, tỷ lệ này sẽ còn nới rộng hơn nữa và lên mức báo hiệu về rủi ro ổn định tài chính.
IMF nêu dẫn chứng, năm 2008 và 2011, tín dụng tăng nhanh khiến chất lượng suy giảm của các bảng cân đối ngân hàng và dẫn đến lạm phát. Thời điểm năm 2008 và 2011, cho vay đối với doanh nghiệp nhà nước và bất động sản lên đến hơn 20%, khiến nợ xấu gia tăng nhanh chóng, đồng thời tình trạng yếu kém của hệ thống ngân hàng được bộc lộ rõ mà đến nay vẫn để lại tàn dư trong nền kinh tế.
Hàng loạt vụ án nghiêm trọng về vi phạm hoạt động ngân hàng, cho vay tín dụng như vụ án Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh, Bầu Kiên… đến nay vẫn chưa giải quyết xong.
Theo IMF, mười năm qua, tín dụng Việt Nam đã tăng bình quân 24%. Tỷ lệ tín dụng/GDP tăng bình quân 4,8 điểm phần trăm hàng năm trong giai đoạn 2000 – 2015 và đạt 124% vào cuối năm 2016, vượt mức trung bình của ASEAN-5 và các nước thu nhập trung bình khác.
Do đó, IMF khuyến nghị Việt Nam nên giảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng xuống còn 15%/năm, đồng thời cho rằng tỷ lệ tín dụng/GDP ở mức 80% là hợp lý.
Trên thực tế, thời gian qua, NHNN đã “siết” nguồn tín dụng vào những lĩnh vực nhiều rủi ro như bất động sản song vẫn còn lượng lớn tín dụng được các ngân hàng cấp cho lĩnh vực bất động sản thông qua cho vay trực tiếp, cho vay xây dựng cơ sở hạ tầng và tài sản đảm bảo, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước.
Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng kinh tế chậm và tăng rủi ro hình thành nợ xấu trong tương lai, nếu tín dụng không được phân bổ dựa trên mục đích thương mại đơn thuần.
Hiện nay, NHNN quy định áp dụng hệ số rủi ro cho vay bất động sản là 150%. Tuy nhiên, theo IMF, cần nâng hệ số này lên 250% bắt đầu từ tháng 1/2017 mới hạn chế được rủi ro.
IMF khuyến nghị Việt Nam nên giảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng xuống còn 15%/năm, đồng thời cho rằng tỷ lệ tín dụng/GDP ở mức 80% là hợp lý
Tăng trưởng tín dụng khó đạt mục tiêu
Ngay từ đầu năm tài chính 2017, NHNN đã có động thái cấp room tín dụng năm nay thấp hơn so với mục tiêu tăng trưởng chung của ngành, ở mức 18%.
Động thái “gìm cương” này của NHNN được các chuyên gia đánh giá, cơ quan quản lý muốn đạt được mức tăng trưởng kinh tế (GDP tăng 6,7%) hơn là sử dụng hết room tín dụng 18%.
Hàng loạt quy định về kiểm soát chất lượng tín dụng được NHNN ban hành, đó là hành động kiểm soát tín dụng vào một số lĩnh vực như bất động sản để hạn chế rủi ro; tiến hành xử lý rốt ráo nợ xấu và các biện pháp hạn chế nợ xấu tăng trở lại.
Trước quyết định của NHNN, nhiều ngân hàng thương mại đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay thấp hơn hoặc bằng năm ngoái. Bên cạnh đó, chú trọng đẩy mạnh tín dụng mảng cá nhân, tập trung cho các ngành, lĩnh vực ưu tiên, cho vay hỗ trợ lãi suất theo các chương trình của Chính phủ và UBND tỉnh thay vì “rót” vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán như trước đây.
Mới đây, theo kết quả khảo sát của NHNN, các tổ chức tín dụng kỳ vọng trong năm 2017, dư nợ tín dụng toàn hệ thống tăng trưởng 16,33% (VND: +16,89% và ngoại tệ: +9,3%). Trong đó, tăng trưởng bình quân trong quý III/2017 đạt 5,09% (VND: +5,68%; ngoại tệ: +1,62%).
Có thể nói, mức kỳ vọng tăng trưởng tín dụng trong năm nay thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu tăng trưởng 18% mà NHNN đã đề ra từ đầu năm.
Còn theo Báo cáo Tình hình kinh tế xã hội sáu tháng đầu năm 2017 của Tổng Cục Thống kê mới công bố cho biết, tính đến thời điểm ngày 20/6/2017, tổng phương tiện thanh toán tăng 5,69% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm trước tăng 8,07%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 5,89% (cùng kỳ năm trước tăng 8,23%); tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2017 đạt 7,54%, mức tăng cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, sức hấp thụ vốn của thị trường vẫn còn yếu. Nền sản xuất gặp khó khăn, gần như mọi hoạt động cũng ngưng trệ theo. Bài toán thị trường chăn nuôi lợn chưa có lời giải, giá cả các sản phẩm nông nghiệp xuống thấp, không ổn định… Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp giải thể vẫn không ngừng gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2017.
Trên thực tế, không chỉ NHNN mà bản thân các ngân hàng thương mại cũng ý thức được việc tăng trưởng không phải bằng mọi giá mà kiểm soát tín dụng một cách chặt chẽ, nghiêm túc theo chính sách tiền tệ của Thống đốc NHNN và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả mới là cần thiết vì mục tiêu lớn nhất của tăng trưởng tín dụng chính là tăng trưởng kinh tế địa phương.
Huyền Anh (TBKD)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.