14/06/2011 5:03 PM
Trung Quốc sẽ đầu tư ít hơn vào trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ, lãi suất toàn cầu đồng loạt tăng. Trung Quốc nhập khẩu ít hơn, nhiều nền kinh tế khác khốn khổ.

Ở thời điểm châu Âu đang “khốn khổ” với khủng hoảng nợ châu Âu và kinh tế Mỹ không phục hồi nhanh như kỳ vọng, nhà đầu tư hiện đang dồn sự quan tâm sang việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chững lại.

Ngày thứ Ba, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc áp dụng đối với các ngân hàng lần thứ 9 tính từ tháng 10/2011. Lạm phát tháng 5/2011 tăng lên mức cao nhất trong gần 3 năm.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc công bố so với cùng kỳ năm trước, tăng trưởng nguồn cung tiền M2 tháng 5/2011 đạt 15,1%, mức tăng trưởng chậm nhất trong 30 tháng.

Tháng 5/2011, tổng giá trị các khoản vay mới chỉ đạt 85,1 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với con số 95,1 tỷ USD theo dự báo của giới chuyên gia.

Bà Donna Kwok, chuyên gia về Trung Quốc tại ngân hàng HBSC, khẳng định việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại là cần thiết để ngăn mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn.

Chính phủ Trung Quốc theo đuổi chính sách thắt chặt tiền tệ suốt thời điểm cuối năm 2010 với mức độ thành công khác nhau và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc lo lắng về việc tình hình tín dụng quá lỏng lẻo.

Tuy nhiên, ông Peter Dixon, chuyên gia kinh tế tại Commerzbank, cảnh báo Ngân hàng Trung ương có thể đi quá xa trong những nỗ lực hạ nhiệt kinh tế Trung Quốc. Nếu Trung Quốc giảm tăng trưởng quá mạnh, nguồn tiền mua trái phiếu chính phủ Mỹ giảm, lãi suất toàn cầu sẽ tăng lên. Nếu kinh tế Trung Quốc không thể “hạ cánh an toàn”, cả khu vực sẽ chịu tác động nặng nề.

Ông Dixon khẳng định các ảnh hưởng có thể không diễn ra trực tiếp bởi tác động lớn nhất của việc kinh tế Trung Quốc chịu chấn động sẽ ở chỗ nước này không thể nhập khẩu hàng hóa nhiều hơn.

Dù nhiều nhà đầu tư đang theo dõi chính sách tiền tệ của Trung Quốc nhưng chính sách của Trung Quốc không dễ hiểu như Fed.

Theo Minh Tuấn (CafeF/CNBC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0